Nhưng ở Mèo Vạc chỉ vài giờ sau, một chuyến xe thiện nguyện đầy hy vọng sẽ đưa cậu bé bị dị tật khe hở môi, khe hở vòm (hay còn gọi là sứt môi, hở hàm ếch) bẩm sinh về Hà Nội phẫu thuật, bắt đầu hành trình dài tìm lại nụ cười trọn vẹn và giúp thay đổi cuộc đời về sau.
Chặng đường nhọc nhằn
Sinh ra chưa hoàn thiện về hình thể, Vừ Mí Hùng còn không thể mang họ bố, vì mẹ cậu bé chưa đủ tuổi kết hôn. Nạn tảo hôn vốn được coi là một trong những nguyên nhân gây ra các dị tật bẩm sinh của không ít trẻ em vùng cao hiện nay. Vừ Mí Hùng sẽ lại lớn lên với rất nhiều khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt và những tổn thương về tâm lý gặp phải khi trưởng thành, nếu không được chị Phạm Thị Nhan (sinh năm 1973), một nhà từ thiện người bản địa, tình cờ bắt gặp.
“Một ngày mùa đông, nhìn thấy Hùng và các bé khác có tình trạng tương tự, thương quá cho nên tôi liền đăng tải lên mạng xã hội để tìm trợ giúp vì gia đình các bé sống quanh năm trên bản, không quen ai để nhờ, hoàn cảnh lại quá khó khăn”, chị Nhan kể.
Giải quyết được vấn đề tâm lý từ chính cha mẹ khi phát hiện con bị dị tật môi, vòm là một việc không hề dễ dàng, và cũng chỉ là sự khởi đầu trước một hành trình dài. Điều này đòi hỏi kiến thức về bệnh của con cũng như sự mạnh mẽ, quyết tâm.
Một người bạn gửi chị Nhan số điện thoại của bác sĩ ở Bệnh viện Việt Nam-Cuba (Hà Nội) và chị không ngại ngần, vội liên lạc ngay. Kết quả hơn cả mong đợi vì sự giúp đỡ rất thiện chí: “Sau khi nghe tôi kể, bác sĩ trao đổi để biết rõ hơn về các dị tật mà từng bé gặp phải. Đề cập khó khăn rất lớn là tài chính, tôi mừng rỡ vì bác sĩ hứa sẽ liên hệ để được giúp đỡ”.
Chị Nhan đến ngay gia đình Vừ Mí Hùng và ba em còn lại: Ly Thị Phương (12 tháng tuổi, ở xã Tà Lùng), Già Thị Máy (2,5 tuổi, ở xã Lùng Chinh), Giàng Mí Sáy (9 tháng tuổi, ở xã Sơn Vĩ) để thuyết phục họ cho con xuống Hà Nội khám sàng lọc, sau đó phẫu thuật. Những lo lắng của các ông bố, bà mẹ còn rất trẻ về chặng đường xa gian khó trước mắt phần nào được giải tỏa khi chị Nhan quyết định đi theo, làm phiên dịch viên tiếng H’Mông, cũng như ở cùng, chăm sóc các bé đến khi phẫu thuật xong.
Không ở miền núi xa xôi, nhưng anh Trương Văn Mạnh (làm công nhân ở tỉnh Hà Nam) là trụ cột kinh tế trong gia đình, vẫn rất sốc khi biết tin: Vợ mang thai lúc 26 tuần phát hiện con bị dị tật môi, vòm.
Trương Minh Vũ là đứa con thứ hai của vợ chồng anh Mạnh nhưng đã có lúc, tưởng như không thể tồn tại trên đời: “Mình vô cùng hụt hẫng, gia đình cũng gặp vấn đề rất lớn về tư tưởng. Rất nhiều câu hỏi đặt ra trong đầu: Vì sao lại là gia đình mình? Nếu sinh con ra rồi sẽ lớn lên như thế nào? Ăn uống, tập nói ra sao?”. Và rồi sự đắn đo, day dứt khôn nguôi có lúc đã khiến đôi vợ chồng nghĩ đến việc... bỏ con.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa (Bệnh viện Việt Nam-Cuba) kể: “Thông qua một người bạn, mình trò chuyện với Mạnh và được nghe chia sẻ về những lo lắng, những dự định của vợ chồng bạn ấy về Vũ. Tuy nhiên, mình đã giải thích: Dị tật chỉ là vấn đề bên ngoài, khoa học y tế có thể khắc phục được. Vũ cần quyền được sống với sự chung tay của cả bố mẹ, gia đình và cộng đồng. Và cuối cùng, bố mẹ em đã đồng ý”...
Giải quyết được vấn đề tâm lý từ chính cha mẹ khi phát hiện con bị dị tật môi, vòm là một việc không hề dễ dàng, và cũng chỉ là sự khởi đầu trước một hành trình dài. Điều này đòi hỏi kiến thức về bệnh của con cũng như sự mạnh mẽ, quyết tâm.
Ở huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa), chị Trương Thị Tuyết, mẹ cháu Hà Văn Thái (người dân tộc Thái, sinh năm 2018), lại không được trợ giúp nhiều từ bên ngoài. Chị một thân một mình tìm hiểu về dị tật môi, vòm của Thái từ lúc còn nằm trong bụng mẹ.
“Khi tôi đang làm việc ở Hưng Yên đã biết việc con mình, lúc đó đã ở tháng thứ 5 của thai kỳ, khả năng cao sẽ bị hở hàm ếch. Nghe tư vấn từ bác sĩ, rồi lên mạng tìm hiểu thông tin về bệnh này, dù buồn nhưng tôi quyết tâm giữ bé vì tin rằng tiến bộ của ngành y sẽ khắc phục được”, chị Tuyết kể. Khi Thái tròn 6 tháng tuổi, hai mẹ con lặn lội từ quê nhà đến Bệnh viện Việt Nam-Cuba khám sàng lọc để phẫu thuật lần đầu, may mắn là con đủ điều kiện sức khỏe và các bác sĩ đã thực hiện ca mổ thành công.
Hành trình của chị Nhan và bốn đứa trẻ bé bỏng từ Mèo Vạc thì lại không được may mắn trọn vẹn. Ba bé khác đủ điều kiện nhưng Ly Thị Phương dù đã 12 tháng tuổi mà chỉ nặng 6kg, chưa thể phẫu thuật. “Phương mồ côi mẹ, được bố đưa xuống và cũng là bé bị hở hàm nặng nhất. Đến bữa, nhìn bố bón cơm cho ăn rất tội nghiệp nhưng các bác sĩ không còn cách nào khác, đành yêu cầu ra Tết, nếu bé đủ cân nặng sẽ xuống khám, rồi chỉ định phẫu thuật sau”, chị Nhan chia sẻ.
Theo bác sĩ Hoàng Phong Mỹ (Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam-Cuba), trẻ bị dị tật môi hay hở hàm ếch phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu về tháng tuổi và cân nặng mới có thể tiến hành phẫu thuật. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, các em sẽ được xét nghiệm về răng hàm mặt, gây mê, huyết học, hóa sinh. Nếu đủ tiêu chuẩn, bệnh nhân được hỗ trợ toàn bộ chi phí y tế phẫu thuật thông qua sự giúp đỡ của tổ chức Operation Smile (OS). Chính nhờ sự giúp đỡ của họ mà từ năm 1989 đến nay, hơn 62.000 bệnh nhi đã được can thiệp để khắc phục dị tật khe hở môi, khe hở vòm miễn phí.
Trẻ bị dị tật môi hay hở hàm ếch phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu về tháng tuổi và cân nặng mới có thể tiến hành phẫu thuật. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, các em sẽ được xét nghiệm về răng hàm mặt, gây mê, huyết học, hóa sinh. Nếu đủ tiêu chuẩn, bệnh nhân được hỗ trợ toàn bộ chi phí y tế phẫu thuật thông qua sự giúp đỡ của tổ chức Operation Smile (OS). Chính nhờ sự giúp đỡ của họ mà từ năm 1989 đến nay, hơn 62.000 bệnh nhi đã được can thiệp để khắc phục dị tật khe hở môi, khe hở vòm miễn phí.
Bác sĩ Hoàng Phong Mỹ (Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam-Cuba)
Trương Minh Vũ cũng như Vừ Mí Hùng, Hà Văn Thái... đều nằm trong số rất nhiều bệnh nhi được OS hỗ trợ mổ miễn phí. Vũ vừa trải qua ca phẫu thuật đầu tiên với sức hồi phục khá nhanh. Mẹ và bà ngoại đưa em lên cắt chỉ sau phẫu thuật, bố Mạnh vẫn ở nhà đi làm để bảo đảm thu nhập cho gia đình. “Việc các bác sĩ chia sẻ về dự án hỗ trợ mổ hở hàm ếch miễn phí đã là một trong những động lực lớn để vợ chồng mình quyết định giữ con lại. Giờ đây, chỉ mong con có thể khỏe mạnh, vượt qua các đợt phẫu thuật phía trước”, anh Mạnh chia sẻ.
Những nụ cười trọn vẹn
Tháng 12 này, Bệnh viện Việt Nam-Cuba lại cùng OS tổ chức chương trình phẫu thuật nụ cười tại Hà Nội. Đứng nép mình sau lưng mẹ, Hà Văn Thái đang chờ đăng ký khám để có thể tiếp tục phẫu thuật lần thứ ba trong hành trình hoàn thiện nụ cười giữa niềm vui và hy vọng rất lớn của mẹ.
Em đã vượt qua lần thứ hai phẫu thuật tạo hình vòm ở thời điểm 18 tháng tuổi, và bây giờ sẽ là công đoạn kế tiếp. “Con giờ bên ngoài đã khá hơn nhiều, tuy nhiên vẫn cần thời gian để các bác sĩ can thiệp phần bên trong. Dù con vẫn còn ăn uống khó khăn, dễ bị tái viêm tai giữa nhiều lần, còn nói ngọng và thính giác kém, nhưng tôi tin là một vài năm nữa sẽ được cải thiện”, chị Trương Thị Tuyết cho biết.
Hỗ trợ những bệnh nhi từ rất nhiều nơi xa về Thủ đô để được phẫu thuật nụ cười, là hàng chục tình nguyện viên của OS làm việc tất bật từ bàn tiếp nhận, đo cân nặng, chụp ảnh kỹ thuật, hỗ trợ chi phí đi lại..., trong đó có Trần Tiến Lâm, một điều phối viên phát triển, phụ trách các tình nguyện viên của chương trình lần này.
Tình nguyện viên của Operation Smile lập bảng danh sách các em nhỏ được phẫu thuật nụ cười miễn phí ở Bệnh viện Việt Nam-Cuba (Hà Nội). (Ảnh: MICHEL NGUYỄN) |
Chàng trai trẻ sinh năm 1997 đã có 4 năm kinh nghiệm làm việc cho OS tâm sự: “Em thực tập năm cuối đại học tại OS và mới đầu chưa hề có ý định sẽ gắn bó tại đây. Tuy nhiên, sau quá trình công tác xã hội tại đây, thêm việc được đọc cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”, đã khiến em quyết định gắn bó với OS, để được cống hiến cho xã hội, cũng là để cảm ơn cho những gì cuộc sống đã ban tặng”.
Lâm từng là một bệnh nhi bị dị tật khe hở môi, khe hở vòm; đã vượt qua nhiều đau đớn sau ba lần phẫu thuật nụ cười trải dài qua rất nhiều năm. Ngắm khuôn mặt đầy thiện cảm của Lâm hiện nay, cùng công việc của em bây giờ, thật sự đã truyền lửa cho các bệnh nhi, cha mẹ bệnh nhi và chính các bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa chia sẻ: “Những bạn như Lâm khi đã trưởng thành, học hành thành tài và quyết định quay trở lại, gắn bó với công tác xã hội, giúp chính những em nhỏ cùng hoàn cảnh khiến các bác sĩ cũng rất cảm động và thấy cần tiếp lửa hơn nữa cho các hành trình của nụ cười”.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa sinh năm 1988, còn rất trẻ nhưng đã có nhiều ca mổ cho trẻ bị dị tật môi, hàm. Anh tự nhận mình là bậc con cháu, sau rất nhiều đời của Khoa Phẫu thuật hàm mặt được may mắn tham gia hành trình mổ nhân đạo cho các em.
Bác sĩ Hoàng Phong Mỹ cho biết: “Bệnh viện Việt Nam-Cuba bắt đầu hành trình phẫu thuật nụ cười ngay từ những ngày đầu OS hỗ trợ năm 1989 và trải qua rất “nhiều đời” bác sĩ - những người thầy, người anh trong lĩnh vực tạo hình, răng hàm mặt, thẩm mỹ có trình độ cao, được thế giới và quốc tế ghi nhận. Nhưng điều quan trọng hơn cả, sau hơn 30 năm, đó là chúng tôi được nhìn thấy những nụ cười hoàn thiện của các em, thấy được họ khi trưởng thành và quay trở lại đầy xúc động”.
Vậy đó, hành trình “vẽ lại” những nụ cười cho trẻ em trên khắp Việt Nam vẫn luôn tiếp tục bởi ngoài OS hay Bệnh viện Việt Nam-Cuba, còn rất nhiều tổ chức, nhà hảo tâm và các bệnh viện khác đang từng ngày, từng giờ hỗ trợ mổ miễn phí cho trẻ bị dị tật môi, hàm. Và những đứa trẻ đó sẽ tiếp tục trưởng thành, bước tiếp với một cơ hội tương lai hoàn toàn như mọi bạn nhỏ bình thường khác.
Trần Tiến Lâm nói: “Em đã vượt qua được mặc cảm từ rất lâu, thậm chí còn tích cực hoạt động Đoàn lúc đi học, mạnh dạn gặp nhiều người để bớt đi sự rụt rè... Thế nên, những nụ cười trọn vẹn sẽ đến nếu các bạn được phẫu thuật, cố gắng cho bản thân cơ hội lấp đầy những khiếm khuyết bằng việc nỗ lực hòa nhập và yêu cuộc sống nhiều hơn.