Phẫu thuật chuyển ngón chân thành ngón tay cho bệnh nhân bị máy xay thịt cuốn nát

NDO - Sáng 5/1, Khoa Phẫu thuật chi trên, Bệnh viện Quân y 175 thông tin về ca phẫu thuật ghép 2 ngón chân thay thế 2 ngón tay cho bệnh nhân bị máy xay thịt cuốn nát bàn tay trái.
0:00 / 0:00
0:00
Phẫu thuật chuyển ngón chân thành ngón tay cho bệnh nhân diễn ra trong 6 giờ đồng hồ.
Phẫu thuật chuyển ngón chân thành ngón tay cho bệnh nhân diễn ra trong 6 giờ đồng hồ.

Bệnh viện Quân y 175 cho biết, cách đây khoảng 3 tháng, bệnh nhân Nguyễn Thị V (1981) bị máy xay thịt cuốn nát bàn tay trái, bị tổn thương phức tạp, dập nát cả 4 ngón tay của bàn tay trái.

Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân đã được nhanh chóng xử lý cấp cứu, cùng lúc thực hiện các xét nghiệm và chuyển bệnh nhân lên phòng phẫu thuật. Các ngón tay 2, 3, 4, 5 dập nát, không thể phục hồi, chỉ duy nhất còn ngón tay cái.

Bác sĩ đã phẫu thuật tạo mỏm cụt từ 2 đến ngón 5 bàn tay trái. Sau 3 tháng khi phần mềm tay phải ổn định, không có dấu hiệu nhiễm trùng, bệnh lý nền được kiểm soát tốt, các bác sĩ đã phẫu thuật ghép lấy ngón chân thứ 2, 3 của bàn chân trái đưa lên ngón tay 4, 5 của bàn tay trái nhằm tạo cung cầm nắm giúp bệnh nhân.

Bác sĩ CK1 Võ Thành Nhơn, Khoa Phẫu thuật chi trên, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, ca phẫu thuật chuyển ghép 2 ngón chân làm 2 ngón tay kéo dài 6 giờ.

Kíp mổ đã đưa ra hướng kết xương từ ngón chân lên bàn tay, khâu nối mạch máu, dây thần kinh, gân cơ từ 2 ngón chân 2, 3 của bàn chân trái với mạch máu 2 ngón tay thứ 4, 5 của bàn tay trái giúp phục hồi sự sống của ngón tái tạo.

Các công đoạn ghép ngón tay này gồm nhiều kỹ thuật, việc khâu nối mạch máu và thần kinh ở những trường hợp này rất phức tạp. Trong quá trình phẫu thuật bóc tách vạt ngón chân phải bảo tồn được nguồn mạch nuôi của ngón, đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm.

Khâu mạch máu và thần kinh bằng kỹ thuật khâu nối vi phẫu, do mạch máu và thần kinh nhỏ nên khâu nối khó khăn, nên cần các phương tiện máy móc hiện đại của bệnh viện.

Đến nay, sức khỏe và ngón tay được nối của bệnh nhân phục hồi tốt, ngón tay chuyển hồng ấm, hồi lưu mao mạch rõ. Bệnh nhân cũng được tái khám theo lịch trình để hướng dẫn tập luyện để phục hồi vận động của ngón tay “mới”.

Bác sĩ Võ Thành Nhơn khuyến cáo, đa số các trường hợp tai nạn do máy xay thịt, cá… đều không cứu được toàn vẹn bàn tay do tổn thương phức tạp do nghiền dập nát. Vì vậy, người dân cần chú ý cẩn trọng, có các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.

Nếu không may gặp tai nạn không nên cố gắng kéo tay ra, hoặc nếu chi thể bị đứt lìa, phải nhanh chóng bảo đảm cầm máu đầu trung tâm (đầu còn gắn với thân thể), bảo quản đầu ngoại vi (đoạn đứt lìa) bằng các biện pháp cơ bản như: rửa với nước muối 0,9%, bọc kín bằng gạc sạch, túi nilon cột kín, sau đó bảo quản với thùng đá lạnh… và nhanh chóng đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được bác sĩ cấp cứu và xử trí kịp thời.