Bài 2: Khơi thông nguồn vốn, nối dài niềm vui

Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đang từng bước rút ngắn khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với đồng bằng và thành thị và mục tiêu "dân thụ hưởng" đang từng bước hiện thực hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Mang Thị Hồng ở thôn Láng Ngựa, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) chăm sóc đàn dê được Dự án hỗ trợ giống nuôi sinh sản, mở ra hướng thoát nghèo.
Chị Mang Thị Hồng ở thôn Láng Ngựa, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) chăm sóc đàn dê được Dự án hỗ trợ giống nuôi sinh sản, mở ra hướng thoát nghèo.

Trong quá trình thực hiện chương trình, nhiều địa phương gặp không ít khó khăn trong giải ngân nguồn vốn. Do đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn vốn, góp phần quan trọng cho sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Niềm vui đến từ những công trình

Năm nay, niềm vui của nữ già làng Keo Ônl (người Khmer) ở ấp Bố Lớn, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh chính là chuyện nước sạch được đưa đến các hộ dân tộc sinh sống dọc biên giới.

Trong năm, tỉnh Tây Ninh đã giao 1,5 tỷ đồng cho huyện Tân Biên thực hiện dự án "Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt" cho các xã giáp biên có nhiều đồng bào dân tộc; trong đó, ấp của chị cũng được thụ hưởng.

Ngoài vai trò già làng, là một trong 36 người có uy tín của tỉnh Tây Ninh, Keo Ônl còn là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp. Thế nên, không chỉ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, mỗi năm già làng Keo Ônl xin tài trợ 500 phần quà, trị giá hàng trăm triệu đồng cho hội viên phụ nữ trong ấp. Con số nêu trên không nhỏ nếu so sánh mức thu nhập bình quân 100.000 đồng/ngày của nữ già làng, từ nghề bán hủ tiếu.

Tại Ninh Thuận, nhân dân rất phấn khởi khi được thụ hưởng công trình thủy lợi bảo đảm nguồn nước tưới cho 7.480 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có hơn 1.600 ha ở vùng miền núi.

Cụ thể, sau khi tuyến kênh TN9, TN11, TN13 thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ được đấu nối, gần 40 ha đất hoang hóa tại thôn Ðồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái đã hồi sinh.

Ông Katơr Thông ở thôn Ðồng Dày chia sẻ: "Từ ngày có nguồn nước từ hồ Tân Mỹ dẫn về, hàng chục héc-ta đất bỏ hoang đã được hồi sinh, cây trồng sinh trưởng xanh tốt. Gia đình tôi canh tác năm sào ngô lai đang ra bông, hứa hẹn một mùa vụ bội thu".

Còn anh Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn Núi Rây, xã Phước Chính, huyện Bác Ái bộc bạch: "Vụ trồng cây kiệu bán vào dịp đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, gia đình tôi xuống giống hơn 1,5 ha. Nhờ có nguồn nước tưới từ hồ Sông Sắt dẫn về, cây trồng phát triển rất tốt, hy vọng sẽ thu hoạch đạt năng suất cao, có điều kiện đón Tết no đủ".

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái Phan Ninh Thuận cho biết: "Toàn huyện có năm hồ chứa nước với dung tích thiết kế hơn 302 triệu mét khối; trong đó, phần lớn được đầu tư từ vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Nhờ đó, tất cả 9 xã của huyện đều đạt chuẩn về tiêu chí thủy lợi. Năm 2024, huyện Bác Ái đã chuyển đổi hơn 320 ha đất lúa kém hiệu quả và đất gò, đồi sang trồng các loại cây, như: ngô nếp, ngô lai, mè, thuốc lá, mía, ớt, táo, nha đam..., mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 26,7 triệu đồng/người/năm, đạt 107,2% kế hoạch năm, đáng chú ý, năm qua, tất cả 25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội của huyện đều vượt kế hoạch đề ra".

Còn tại Bình Phước, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và lồng ghép với các nguồn vốn khác cho nên chưa hết giai đoạn 2020-2025, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, công tác xóa đói, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số với những con số ấn tượng, từ năm 2021 đến năm 2024, giảm 4.141 hộ nghèo.

Năm 2023, gia đình chị Ðiểu Thị Phương, trú ở sóc Lộc Khê, xã Minh Ðức, huyện Hớn Quản là hộ thoát nghèo tiêu biểu ở địa phương. Hộ chị Phương được trao tặng nhà tình thương, bò giống và hỗ trợ vốn vay 100 triệu đồng. Sự hỗ trợ này đã giúp gia đình chị vươn lên phát triển kinh tế với thu nhập cao.

Chị Ðiểu Thị Phương cho biết: "Ðược hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng cộng với được hỗ trợ học nghề cạo mủ cao-su, vợ chồng tôi đã mua lô cao-su thanh lý khai thác mủ, trong vòng bốn tháng đã thu hồi vốn. Sau đó, thu nhập bình quân mỗi tháng của gia đình tôi là hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra, chồng tôi còn đi làm thêm, mỗi tháng được khoảng 8 triệu đồng. Tổng thu nhập mỗi tháng của vợ chồng tôi gần 30 triệu đồng".

Khu vực ở ấp Ðịa Hạt-Sóc Dầm (xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) thường thiếu nước vào mùa khô cho nên người dân nơi đây không đủ nước để sản xuất cũng như dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Từ nguồn vốn Chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nước được đưa về ấp, người dân không còn nỗi lo thiếu nước.

Chị Thị Ðiệp ở ấp Ðịa Hạt-Sóc Dầm bày tỏ: "Nhờ Ðảng, Nhà nước quan tâm đưa nước sạch về ấp, bà con không còn lo thiếu nước vào mùa khô. Chúng tôi rất phấn khởi".

Người dân được thụ hưởng nhiều hơn

Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các tỉnh khu vực phía nam đã triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể theo tiến độ hằng năm đạt kết quả tương đối tốt. Tuy nhiên, còn một số chỉ tiêu ở một số địa phương được dự báo không hoàn thành.

Ghi nhận tại tỉnh Ninh Thuận, vẫn còn một số địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nhất là đối với các địa bàn khó khăn. Bên cạnh đó, việc huy động đóng góp tiền, ngày công lao động của đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện chương trình trên địa bàn các huyện, xã không đáng kể...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên chia sẻ: Thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai các chính sách dân tộc gắn với vai trò, trách nhiệm cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện chương trình. Tiếp tục phát huy tốt vai trò của các vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đây là lực lượng tiêu biểu nòng cốt luôn được đồng bào tin tưởng và là nhịp cầu nối trong việc đề đạt tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với Ðảng, Nhà nước, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, Ninh Thuận đề nghị Ủy ban Dân tộc tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng định mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và bổ sung đối tượng hỗ trợ là hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở; nâng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề từ 10 triệu đồng/hộ lên 40 triệu đồng/hộ để phù hợp với giá cả thị trường tại thời điểm hiện nay.

Còn tại Bình Phước, ngoài những vướng mắc về việc phân bổ nguồn vốn chậm trễ dẫn đến tình trạng đối tượng, địa bàn thụ hưởng thay đổi, việc phân bổ kế hoạch nguồn vốn sự nghiệp gặp khó khăn, kế hoạch vốn phân bổ chưa thực hiện giải ngân được; Chương trình có nội dung, quy mô lớn, liên quan nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều ngành cho nên phát sinh một số vấn đề về quy định, nội dung hướng dẫn triển khai.

Mặc dù từ khi triển khai, lãnh đạo tỉnh rất quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn để giải ngân nguồn vốn đúng tiến độ. Hằng tuần, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh phụ trách lĩnh vực họp giao ban trực tuyến với các sở, ngành, huyện để gỡ vướng nhưng các địa phương vẫn gặp lúng túng, khó khăn trong thực tiễn triển khai.

Hiện nay, Bình Phước đang gặp khó khi giải ngân các dự án đầu tư nhỏ lẻ do số lượng hồ sơ thủ tục phải triển khai nhiều; một số công trình, dự án bị vướng quy hoạch cho nên không triển khai thực hiện được. Mặt khác, một số địa bàn xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các xã đã về đích nông thôn mới, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, đưa vào sử dụng đã lâu đến nay xuống cấp nhiều cần nâng cấp, sửa chữa nhưng lại không được sử dụng từ nguồn vốn này...

Theo ông Ðiểu Ðiều, Trưởng ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước, đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư phát triển kích cầu toàn xã hội. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo cần xem xét tỷ lệ đầu tư phát triển chung và phát triển hộ gia đình; bởi đầu tư cho phát triển chung thì những hộ khá, giàu trong vùng họ sẽ nắm bắt được cơ hội và phát triển nhanh hơn, còn những hộ nghèo sẽ có nguy cơ bị tụt hậu. Do đó, cần chú trọng đầu tư riêng cho từng hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số như: đầu tư chuyển đổi ngành nghề, đầu tư thay đổi tư duy về phát triển kinh tế gia đình.

Với sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, cùng với sự nỗ lực của các địa phương, kết quả giải ngân của Chương trình đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, các địa phương cần linh hoạt tháo gỡ khó khăn, giải ngân nguồn vốn đạt tiến độ để hoàn thành mục tiêu của Chương trình là phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước nói chung và khu vực phía nam nói riêng.

---------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 17/1/2025.