Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn để mang lại đổi thay bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đổi thay ở vùng cao
Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024, gia đình bà Nông Thị Hằng ở xã Cư Lễ (huyện Na Rì) được hỗ trợ 100 con gà giống. Sau ba tháng chăm sóc, đàn gà phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt hơn 2,5 kg/con, có thể xuất bán. Bà Hằng chia sẻ, được hỗ trợ nuôi gà, gia đình đã cải tạo lại vườn, dựng hàng rào, làm chuồng trại. Năm sau sẽ tiếp tục mở rộng chuồng trại để nuôi thêm.
Theo Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Na Rì Lý Văn Tuyên, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024, huyện hỗ trợ gà giống cho 180 hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn. Những hộ tham gia được cấp hai đợt cám, với tổng khối lượng gần 61 tấn.
Dự án được thực hiện thông qua đơn vị chủ trì theo hình thức liên kết các hợp tác xã trên địa bàn. Theo đó, các hợp tác xã trực tiếp cung ứng con giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm nếu người dân có nhu cầu. Tất cả quy trình khép kín từ cung ứng con giống, vật tư đến khâu tiêu thụ, người dân không phải lo đầu ra.
Nguồn lực từ chương trình đã giúp nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa cải thiện điều kiện sinh hoạt. Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn) Chu Văn Hướng, từ nguồn vốn của chương trình, đến nay bốn thôn vùng cao của xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày đã và đang được đầu tư hạ tầng để giúp người dân yên tâm bám bản, thi đua phát triển kinh tế.
Tại xã Thượng Quan, những ngày này, người dân thôn Pác Đa vui mừng, phấn khởi khi con đường mới vào bản đã hoàn thành. Tuyến đường dài hơn 13 km nối từ trung tâm xã Thượng Quan đến các thôn Pác Đa, Cốc Lùng, Pù Pót... Trưởng thôn Pác Đa Bàn Hồng Sơn vui mừng chia sẻ, tuyến đường đã giúp Pác Đa không còn là bản biệt lập, trẻ em đi học không phải lội bùn vượt hơn 10 km đường đất. Hình ảnh vừa đi vừa phải dắt xe giờ chỉ còn trong ký ức người dân.
Gia đình ông Đặng Phúc Minh, thôn Phiêng Kham, xã Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông) suốt nhiều năm phải ở trong ngôi nhà đã xuống cấp. Gia đình nghèo, trong khi tuổi đã cao, lại thường xuyên đau ốm cho nên kinh tế gia đình khó khăn, mong ước có ngôi nhà mới... vượt quá khả năng.
Năm 2024, khi được hỗ trợ 44 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, ông Minh dùng số tiền tích cóp, vay thêm người thân để làm nhà. Niềm mong ước bấy lâu của ông Minh và gia đình giờ đã trở thành hiện thực.
Ông Minh cho biết, có nhà mới gia đình không còn lo lắng những lúc mưa to, gió lớn. Bây giờ chỉ cần tập trung phát triển kinh tế, trả được hết nợ, chăm lo cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn.
Nỗ lực triển khai
Tại tỉnh Bắc Kạn, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030 có 10 dự án thành phần, trong đó năm 2024 đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng (gồm cả vốn năm 2022, 2023 chuyển sang).
Nguồn vốn này dùng để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nguồn lực từ chương trình còn dùng để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn…
Để thực hiện có hiệu quả, năm 2024, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành bốn nghị quyết, UBND tỉnh ban hành ba quyết định. Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên gắn với nhiệm vụ được giao.
Năm 2024, Bắc Kạn đã xây dựng phương án phân bổ, bố trí vốn đối ứng tối thiểu bằng 5% tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện chương trình. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, các đơn vị là chủ trì dự án, tiểu dự án lập dự toán, phê duyệt dự toán, giải ngân, nghiệm thu, thanh quyết toán theo quy định.
Bắc Kạn tập trung nâng cao năng lực, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư, cán bộ các cấp và cộng đồng được hưởng thụ.
Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các xã thực hiện lồng ghép tuyên truyền thông qua các hội nghị, các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội, qua hệ thống loa truyền thanh. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, người dân được nâng lên rõ rệt, tạo động lực giúp người dân tích cực tham gia xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ.
Trong quá trình triển khai, tỉnh Bắc Kạn tăng cường thực hiện việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các ngành, các cấp. UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 29/1/2024 về việc giám sát, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế từ đó hướng dẫn các địa phương điều chỉnh, khắc phục kịp thời.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn Triệu Thị Thu Phương, nguồn lực từ chương trình trong giai đoạn 2021-2030 kỳ vọng sẽ giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, và phấn đấu có 325 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn theo chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao.
Đáng chú ý, Bắc Kạn đã phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng, như: 85% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã đạt cấp 6 trở lên (đã đạt 106%); 95% số thôn, bản có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa (đã đạt hơn 118%); 92% số thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (đã đạt hơn 88%)...
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phân bổ, điều chỉnh kinh phí giữa các dự án, tiểu dự án, đồng thời huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia, phấn đấu thực hiện giải ngân đạt 100% kinh phí được giao, bảo đảm sử dụng hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.