Phát triển văn học nghệ thuật xứng tầm với cố đô Hoa Lư

NDO - Ngày 18/12, Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình, Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình tổ chức hội thảo “Văn nghệ Ninh Bình, 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo về sự phát triển văn học nghệ thuật ở Ninh Bình.
Quang cảnh hội thảo về sự phát triển văn học nghệ thuật ở Ninh Bình.

Đây là hoạt động mở đầu đánh giá tổng kết 30 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình (1994-2024) và sự phát triển của Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23/2008-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

Nhà văn Phạm Thị Duyên, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình cho biết: Từ những ngày đầu tái lập tỉnh Ninh Bình (1992), Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình luôn là nơi ươm mầm, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh. Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình được cấp phép hoạt động năm 1992 có rất nhiều khó khăn: không có đội ngũ biên tập chuyên trách, không trụ sở trang thiết bị, không có nguồn tin, bài của cộng tác viên. Những với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm của Thường trực Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình, lãnh đạo Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình quyết tâm xây dựng “nền móng” văn học nghệ thuật ở vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Đến nay, Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình đã có bước phát triển mới, khẳng định rõ vai trò tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật tới công chúng, đồng thời khẳng định vị thế là tạp chí văn nghệ của vùng đất Cố đô Hoa Lư giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.

Là một trong số ít tạp chí văn nghệ trong cả nước có lực lượng cộng tác viên đông đảo, 30 năm qua, Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình đã xuất bản được 274 kỳ với 350 nghìn bản in, qua đó thông tin, giới thiệu kịp thời các hoạt động văn học, nghệ thuật của địa phương. Tạp chí cũng đăng tải nhiều bài nghiên cứu, lý luận, phê bình; được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam bình chọn là “tốp” 10 tờ báo văn nghệ có chất lượng tốt nhất, có nhiều chuyên mục hấp dẫn bạn đọc trong cả nước.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận chỉ ra những tồn tại, hạn chế về chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật, chất lượng cộng tác viên, biên tập viên và một số vấn đề khác của Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình. Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nội dung, hình thức của Tạp chí trong thời gian tới theo hướng: phát triển Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình in truyền thống và Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình điện tử, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật ở địa phương và xứng tầm với vùng đất cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến.