GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương và đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo còn có các đồng chí: Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương; Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các ban ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các cơ quan nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, sau gần 3 năm triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều chính sách, nhiều kế hoạch phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã được ban hành và bước đầu thu được một số kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, từ chính sách đến các chương trình, kế hoạch, hành động thực tiễn để khơi dậy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế đóng góp vào sự phát triển của Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW vẫn còn nhiều vấn đề đòi hỏi phải quan tâm giải quyết. Chẳng hạn như công tác kiểm kê, đánh giá toàn diện về nguồn lực văn hóa, con người Huế; công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Huế; khơi dậy, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Huế trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường đối ngoại và củng cố an ninh quốc phòng;...
Theo GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, việc tổ chức Hội thảo “Phát triển văn hóa, con người Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị” là rất cần thiết để xây dựng các luận cứ khoa học, khuyến nghị các giải pháp khả thi nhằm triển khai kịp thời Nghị quyết của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Kết quả của hội thảo, ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong hội thảo này sẽ cung cấp dữ liệu khoa học để Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tham khảo, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, mô hình và cách làm của Thừa Thiên Huế là thực tiễn mới hết sức sinh động về việc triển khai những quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm đột phá chiến lược thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ II, với tinh thần nhất quán, xuyên suốt: Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực phồn vinh, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa, sực mạnh con người Huế trong sự phát triển của Thừa Thiên Huế, cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò về giá trị văn hóa, sức mạnh của con người trong phát triển Thừa Thiên Huế trên cơ sở quán triệt tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, Thừa Thiên Huế cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò tầm quan trọng của văn hóa, con người cũng như khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người xứ Huế - nguồn lực nội sinh quan trọng nhất để hiện thực hóa khát vọng phát triển.
Đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng vẻ vang; là trung tâm văn hóa và du lịch; trung tâm giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học-công nghệ. Là vùng đất đang lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, đa dạng, đặc sắc, có hệ thống di sản vật thể cùng những giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Là một đô thị đã và đang được xây dựng theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” với hạt nhân là Thành phố Huế - thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival, thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố xanh-sạch-sáng và thông minh...
Việc tổ chức thành công 10 kỳ Festival Huế với quy mô quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế ở khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, từ các yếu tố thiên nhiên và xã hội rất riêng, rất đặc trưng đã hình thành nên con người Huế; luôn coi trọng văn hóa, lễ giáo, hiếu học; tôn sư trọng đạo trong mỗi gia đình; sống khoan dung, hòa thuận; mẫu mực, nhẹ nhàng, gần gũi với thiên nhiên. Những đức tính, truyền thống tốt đẹp của con người Huế tiếp tục được phát huy trong thực tiễn cuộc sống.
Đặc biệt, sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế đã không ngừng nỗ lực, vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo thế và lực mới trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị di sản” đặc sắc của khu vực và cả nước. Các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống được tiếp tục bảo tồn và phát huy, góp phần khẳng định vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng xanh và bền vững.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, kết quả của hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, gợi mở những hàm ý về xây dựng, ban hành cơ chính sách mới, phù hợp để địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị, phấn đấu để Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á dựa trên những giá trị nền tảng của văn hóa truyền thống và tinh thần chủ động, sáng tạo của người dân vùng đất Cố đô.
Hội thảo đã nhận được 60 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo quản lý thuộc các ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các ban ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các cơ quan nghiên cứu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm nổi bật những vấn đề trọng tâm như: Sự quan tâm và tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với sự phát triển của Thừa Thiên Huế. Khẳng định vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa quan trọng của Thừa Thiên Huế đối với sự phát triển, ổn định của các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên cũng như sự phát triển chung của cả nước.
Khẳng định những giá trị độc đáo, riêng biệt, hấp dẫn của văn hóa, con người Huế. Vai trò của văn hóa, con người đối sự phát triển của Thừa Thiên Huế trong tiến trình lịch sử. Những thành tựu trong phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế đối với quá trình phát triển của Thừa Thiên Huế trong hơn 35 năm đổi mới, đặc biệt là hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 54, từ 2019 đến nay; đồng thời chỉ ra những bất cập, hạn chế trong việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa, con người Huế thời gian qua.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng văn hóa và sức sáng tạo của con người Huế trong bối cảnh, tình hình hiện nay nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cho rằng, để giữ gìn, nâng tầm và phát huy văn hóa Huế, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, địa phương cần tiếp tục giới thiệu, nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa Huế trong cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; làm tốt hơn nữa công tác trùng tu tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử; bảo vệ các giá trị văn hóa phi vật thể và tâm linh chống pha tạp và biến chứng; xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại để phổ cập các giá trị văn hóa mới và mở rộng giao lưu văn hóa. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cần có kế hoạch chăm lo việc học cho các thế hệ học sinh, coi trọng giáo dục gia đình, bảo trợ học đường, giúp con em có định hướng tích cực về trí tuệ, nhân cách, kỷ năng, có khả năng hội nhập nhanh chóng vào cuộc sống.
Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Để hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đề ra, việc khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa, sức mạnh con người Huế có nghĩa đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của Thừa Thiên Huế trong hiện tại và tương lai.
Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị xác định “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.