Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn
Tây Nguyên gồm năm tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum, có diện tích 54,5 nghìn km2, chiếm một phần sáu diện tích cả nước và lớn thứ ba trong sáu vùng kinh tế-xã hội; nằm ở điểm giao biên giới ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia, tiếp giáp các vùng duyên hải miền trung và Đông Nam Bộ.
Thực hiện Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên, sự tham gia tích cực của nhân dân, kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên có bước phát triển tích cực, đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng. Quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần so với năm 2002 và 3,1 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt gần 8%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt hơn 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần so với năm 2002.
Tây Nguyên là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa; có tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; giữ vai trò tâm điểm của kết nối đông-tây; có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh đối với cả nước; vùng dự trữ chiến lược cho phát triển bền vững của quốc gia... Chính vì vậy, ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua, nhưng trong quá trình phát triển, vùng Tây Nguyên vẫn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế, như phát triển kinh tế của vùng chưa bền vững; tốc độ tăng trưởng chậm, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài còn nhiều hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực thấp; hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; khoa học công nghệ chưa được quan tâm đúng mức; thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước; khoảng cách giàu-nghèo chậm được thu hẹp; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để phát triển bền vững Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên. Đây được xem là chương trình hành động của Chính phủ, thể hiện quyết tâm đưa Tây Nguyên phát triển bền vững theo đúng mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị đề ra. Theo lộ trình, đề án thực hiện từ năm 2023 đến năm 2030, với sự tham gia của tám bộ, ngành, các đoàn thể tổ chức chính trị-xã hội; cấp ủy, chính quyền năm tỉnh Tây Nguyên.
Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển Tây Nguyên gắn với quốc phòng-an ninh; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về truyền thống, tài nguyên, đất đai và về nguồn nhân lực, sớm đưa Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Củng cố thực lực cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo chuyển biến rõ nét về kinh tế-xã hội, văn hóa; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đưa Tây Nguyên phát triển bền vững
Vào cuối tháng 2 vừa qua, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Chính phủ tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành trung ương; lãnh đạo năm tỉnh Tây Nguyên và chín tỉnh phụ cận nam miền trung.
Tại hội nghị, sau khi nghe ý kiến tham luận của các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm ghi nhận bước chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng-an ninh của các tỉnh Tây Nguyên; biểu dương những cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền vùng Tây Nguyên. Đồng chí cho rằng, Tây Nguyên là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, nhất là những tiềm năng, lợi thế về kinh tế. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, chưa phát huy xứng tầm. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của Tây Nguyên; đã có nhiều quyết sách, chính sách để đưa Tây Nguyên phát triển ngang tầm với các vùng kinh tế trên cả nước.
Gần đây là Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, với mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Đồng chí đề nghị các ban, bộ, ngành và địa phương các tỉnh Tây Nguyên thống nhất, đồng lòng, hành động quyết liệt, thực hiện cho được các quan điểm chỉ đạo; tập trung mọi biện pháp, nguồn lực, nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp mới, đột phá để thực hiện các mục tiêu cụ thể nêu trong Đề án của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên, với tinh thần “5 quyết liệt”: Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; quyết liệt hoàn thiện, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Tây Nguyên; quyết liệt thúc đẩy điểm đột phá, đánh thức, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng; phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, con người vùng đất Tây Nguyên, khí chất oai hùng, kiên trung, bất khuất thành nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; quyết liệt giải quyết từ sớm, từ xa, từ cơ sở các yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ; quyết liệt củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: Ai không dám làm, ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đề cao trách nhiệm trong nắm bắt, phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giữ vững an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ. Cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên các tỉnh Tây Nguyên huy động sức mạnh tổng lực thực hiện Đề án, tận dụng các lợi thế để biến thành cơ hội phát triển, tự lực, tự cường vươn lên.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đề nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh phụ cận duyên hải miền trung và Đông Nam Bộ tích cực phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Tây Nguyên trong triển khai Đề án của Chính phủ; tăng cường hợp tác, liên kết phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hợp tác đầu tư, khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, sinh thái sẵn có, độc đáo của Tây Nguyên để phát triển du lịch.
Đồng chí tin tưởng, với lịch sử lâu đời, truyền thống anh hùng, bất khuất trong kháng chiến và mạnh mẽ, sáng tạo vươn lên trong đổi mới; tinh thần đoàn kết, một lòng son sắt theo Đảng, theo Bác Hồ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, với khí thế mới, động lực mới, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, sớm đưa Tây Nguyên phát triển bứt phá, toàn diện và bền vững.