Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn huyện Kon Plông có 210ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều nhất tỉnh Kon Tum. Bên cạnh tạo ra giá trị từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi cung-cầu, truy xuất nguồn gốc nông sản, ngành nông nghiệp huyện cũng xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gắn liền với du lịch.
Những lợi ích thấy rõ
Công ty trách nhiệm hữu hạn Niinuma Tomofarm Măng Đen hiện có hai nhà màng diện tích khoảng 4.000m2 tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, với các loại cây chủ lực như dâu tây, bắp cải tí hon, cà chua bi Nhật Bản, tầm bóp Nam Mỹ… Đây là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách, bởi không những được chiêm ngưỡng sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà du khách còn được trực tiếp thu hái những loại nông sản muốn mua tại vườn.
Chị Hồ Thanh Tâm, quản lý sản xuất của công ty cho biết, vào những mùa cao điểm như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán hay những kỳ nghỉ lễ, đơn vị đón hàng trăm du khách mỗi ngày, mang về khoản doanh thu hơn 100 triệu đồng/tháng. “Việc phát triển nông nghiệp gắn liền với du lịch sẽ hỗ trợ thúc đẩy lẫn nhau. Hiện tại, 50-60% doanh thu của Tomofarm đến từ khách du lịch. Khi du lịch phát triển, nhiều du khách biết đến Măng Đen ngoài các địa danh nổi tiếng, còn có các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Đây được xem như điểm đến thu hút khách du lịch của Măng Đen”, chị Hồ Thanh Tâm nhận định.
Trang trại nông nghiệp sinh thái Hai Đông là một trong những đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lớn của huyện Kon Plông, với diện tích 10ha cam 8 năm tuổi, nằm giữa những cánh rừng nguyên sinh. Từ năm 2019, cam của trang trại được trồng, chăm sóc theo chuẩn hữu cơ, được cấp mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm cam hữu cơ Măng Đen Hai Đông.
Với năng suất bình quân 20 tấn/ha; giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, tổng doanh thu của trang trại bình quân không dưới 6 tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Quang Đông, chủ trang trại cho biết, khách du lịch có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu của cam Măng Đen nói chung, cũng như của trang trại Hai Đông nói riêng.
Dù không mua nhiều cam, nhưng khi du khách đăng tải hình ảnh của trang trại lên mạng xã hội sẽ lan tỏa rất mạnh, bởi cam được trồng theo phương pháp hữu cơ organic dưới tán rừng già sinh thái rất ít nơi có. Điều này sẽ giúp du khách háo hức đến với vườn cam, khách hàng tại các siêu thị cũng có được niềm tin lớn hơn.
“Năm 2021, An Phú Farm ở Thành phố Đà Nẵng chỉ mua của chúng tôi 3 tấn cam/năm, song với sự phản hồi tích cực của khách hàng cũng như sự lan tỏa trên mạng xã hội, năm 2023, đơn vị này đã mua 15 tấn cam, và hiện vẫn muốn mua thêm. Nguyên nhân là vì khách du lịch đến với trang trại, tham gia hái cam, chăm sóc cam và truyền tải qua mạng xã hội tạo sức lan tỏa rất nhanh. Do vậy, An Phú Farm bán rất đắt hàng, sản lượng bán ra tăng theo từng năm”, ông Nguyễn Quang Đông chia sẻ.
Cùng gia đình đang lựa chọn sản phẩm cà chua bi, anh Đỗ Hữu Phúc, đến từ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh cho biết, gia đình anh bị “nghiện” Măng Đen nên cứ sắp xếp được thời gian là cả nhà cùng nhau đi xe khách chạy thẳng từ TP Hồ Chí Minh lên Măng Đen để du lịch, nghỉ dưỡng sau thời gian làm việc căng thẳng.
Điều ấn tượng nhất của anh Phúc với Măng Đen là ngoài những địa danh, cảnh quan đẹp, nổi tiếng còn có các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng được tiêu chuẩn sạch, hái xong có thể ăn ngay, mang cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
“Với khí hậu mát mẻ, trong lành cộng với việc đi lại bây giờ khá thuận lợi, tôi mong rằng Măng Đen sẽ phát triển hơn nữa các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp để du khách được gần gũi với thiên nhiên, được thưởng thức những sản phẩm nông nghiệp sạch và trải nghiệm cảm giác làm nông dân khi trực tiếp tham gia trồng, chăm sóc rau, hoa”, anh Đỗ Hữu Phúc nói.
Cần những chủ trương đột phá
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông Phạm Thanh Bình đánh giá: Các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp các loại hình du lịch như nông nghiệp kết hợp với nghiên cứu, trải nghiệm du lịch mang lại hiệu quả rất cao, có tiềm năng phát triển lớn trong thời gian tới.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện là 210ha; diện tích nhà màng, nhà kính 27,7ha. Hiện có 11 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 15 tổ chức, cá nhân đã có mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong số đó, có không ít các mô hình kết hợp thử nghiệm giữa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các loại hình du lịch.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phạm Văn Thắng cho rằng, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sẽ mang lại nguồn lợi về kinh tế tăng từ 10-25 lần so với thông thường. Với lợi thế sẵn có, Kon Plông rất phù hợp để phát triển loại hình này.
Mới đây, huyện cử đoàn công tác đi làm việc tại Đà Nẵng, Lâm Đồng để học tập kinh nghiệm phát triển loại hình nông nghiệp gắn với du lịch. Qua đó, nghiên cứu và sẽ đề xuất Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum có chủ trương thực hiện vấn đề này. Ông Phạm Văn Thắng nêu quan điểm: “Nếu trung ương và tỉnh cho chủ trương thì phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sẽ rất phù hợp với huyện Kon Plông. Một số vùng đất phát triển cây trồng hạn chế có thể quy hoạch trở thành điểm kết hợp giữa nông nghiệp với trải nghiệm du lịch, ngoài hiệu quả về kinh tế còn giúp cho du khách, các em học sinh có những trải nghiệm thực tế để có thêm kiến thức về nông nghiệp”.
Tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023-2028 của Hội Du lịch Măng Đen, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông Đặng Quang Hà khẳng định, sau khi Tỉnh ủy thông qua, huyện sẽ chọn một số doanh nghiệp, hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp để làm các mô hình khai thác dịch vụ du lịch trên đất nông nghiệp. Đây là một chủ trương lớn của huyện, nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.