Tại cuộc hội thảo, bà Vũ Việt Trang - Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo TTXVN cho biết, TTXVN bắt đầu chuyển đổi số từ khá sớm, góp phần hỗ trợ quá trình tác nghiệp của những người làm báo tại cơ quan này.
Chuyển đổi số đã từng bước làm đa dạng hóa các hình thức phân phối thông tin báo chí. Từ một sản phẩm báo chí gốc được chuyển thể sang nhiều hình thức thể hiện để tiếp cận tốt hơn đến công chúng qua việc phân phối thông tin dưới nhiều hình thức trên các trang thông tin điện tử (website), ứng dụng (app), mạng xã hội… Như vậy, thông tin chính thống sẽ được lan tỏa nhanh hơn.
Khi thực hiện chuyển đổi số, trong quá trình phân phối nội dung, các cơ quan báo chí có thể đo đếm được phản hồi của công chúng, từ đó giúp cơ quan lựa chọn được thông tin và cách thể hiện phù hợp với thị hiếu của công chúng. Đồng thời, để đáp ứng được quá trình chuyển đổi số báo chí, phương thức tác nghiệp của phóng viên từ đơn tuyến có xu hướng chuyển sang đa nhiệm, phóng viên viết có thể thực hiện chụp ảnh, ghi hình… đối với một nội dung thông tin, sự kiện đang diễn ra.
Với việc chuyển đổi số, TTXVN đã và đang từng bước xây dựng, tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung sau thời gian vận hành hệ thống tác nghiệp đa phương tiện. Các sản phẩm báo chí đa phương tiện, phù hợp với thị hiếu nghe-xem của công chúng được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.
Theo bà Vũ Việt Trang, các sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như chat-box đã được khai thác để tăng khả năng tương tác với công chúng. Trong thời gian dịch Covid-19 căng thẳng, chat-box đã đảm nhiệm tốt việc trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến thông tin, quy định được cập nhật liên tục theo tình hình dịch Covid-19. Hiện nay, việc giải đáp các thắc mắc trong mùa tuyển sinh sắp tới cũng đang được chat-box đảm nhận.
Chia sẻ về thói quen người dùng trên nền tảng số, ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập báo VietnamPlus (TTXVN) cho biết, hiện có 7 sự thay đổi lớn trong truyền thông, trong đó, đáng chú ý là sự chuyển dịch từ báo in sang điện tử; từ kể chuyện bằng text sang đa phương tiện; từ máy tính bàn sang điện thoại di động… Theo thống kê, người dùng Việt Nam dành tới 6 giờ 38 phút mỗi ngày để lướt Internet, trong đó có tới 3 giờ 32 phút sử dụng trên các thiết bị di động. Báo cáo mới nhất cho thấy, trung bình người dùng Internet mỗi ngày dành tới 85 phút để xem video.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nhật, sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của nền tảng TikTok đã tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt trong sản xuất video ngắn. Và chính hành vi của người dùng sẽ dẫn dắt, thay đổi chiến lược của các cơ quan báo chí.
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Anh Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, hiện đang có sự thay đổi lớn về thói quen người dùng.
Ngoài xem ti-vi qua sóng truyền hình, người dùng còn có thói quen xem các nội dung trên điện thoại và Smart ti-vi. Qua thu thập dữ liệu từ nền tảng số, VTV đã có dữ liệu về người xem. Đáng chú ý, bên cạnh đối tượng khán giả trẻ thì phân tích dữ liệu cho thấy, có lượng khách hàng rất lớn là thế hệ 40 đến 50 tuổi xem qua Smart ti-vi.
"Người xem trên nền tảng số sẽ rất nhiều. Điển hình là trong chiến dịch phim VTV, có những phim vừa chiếu thì người dùng đã tìm kiếm tập tiếp theo và nhiều khi đạt tới số lượng truy cập hàng triệu view. Bên cạnh đó, VTV đã xây dựng chương trình hướng tới Gen Z không xem ti-vi mà tìm thông tin qua Internet. Mục đích là chuẩn bị cho lộ trình lượng khách hàng về lâu dài. Về tương lai sẽ xóa nhòa sóng và số", ông Phạm Anh Chiến chia sẻ.
Từ góc nhìn đào tạo, ông Đinh Ngọc Sơn - Phó Trưởng Khoa phát thanh truyền hình, Học viện Báo chí và tuyên truyền cho rằng: "Năm 1976 ghi nhận sự phổ biến của băng video. Năm 1988 xuất hiện kỹ thuật số lưu giữ. Năm 2004 có mạng xã hội Facebook phổ biến dưới dạng text và ảnh. Năm 2005 ghi nhận sự bùng nổ của nền tảng chia sẻ video YouTube. Năm 2012 đánh dấu sự xuất hiện của nền tảng chia sẻ ảnh Instagram. Năm 2015 xuất hiện video trên Facebook. Năm 2017 có video ngắn trên TikTok. Đây là những dấu mốc về ứng dụng nền tảng số".
Trước sự thay đổi nền tảng số, ông Đinh Ngọc Sơn đề xuất, TTXVN cũng như các cơ quan báo chí cần phát triển các kênh video trên nền tảng xã hội; đa dạng chủ thể sản xuất với những nội dung phong phú, trong đó có giải trí bởi đây là nội dung quan trọng, góp phần thu hút sự quan tâm của độc giả; xây dựng trung tâm sản xuất video kết nối cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ; phát triển nội dung tin tức, bình luận và tương tác trực tiếp.
Ông Nguyễn Cao Cường - Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất chương trình VTVcab nhận định, trong bối cảnh chuyển đổi số, truyền thông chỉ là một phần trong kinh tế số. Do đó, chúng ta vẫn đi sau thương mại. Chính vì vậy, những người làm truyền hình, người làm báo cần tiếp cận xu hướng mới, công cụ sản xuất mới cũng như đổi mới tư duy, quy trình tạo ra các tác phẩm để tiếp cận người xem, độc giả hiệu quả hơn.
Theo ông Nguyễn Cao Cường, nhiều định dạng video mới đang trở nên phổ biến như video ngắn, video dọc, mutex video, video tương tác, livestream video... Ngoài ra, các video dưới dạng review, đánh giá sản phẩm, dịch vụ... đang được người dùng quan tâm nhiều hơn.
Tại tọa đàm, các chuyên gia còn chia sẻ về bản quyền trên không gian số, chiến lược phát triển video trên báo chí, cách thức thực hiện livestream các sự kiện "nóng" trên nền tảng xã hội...