Luật Điện lực (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giúp ngành điện giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện tại, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững, hiệu quả. (Ảnh: VĂN DUY)
Luật Điện lực (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giúp ngành điện giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện tại, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững, hiệu quả. (Ảnh: VĂN DUY)

Phát triển nguồn điện tái tạo trong kỷ nguyên mới

NDO - Các quy định liên quan phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới là những điểm mới quan trọng trong Luật Điện lực (sửa đổi), được kỳ vọng sẽ giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của ngành điện hiện nay, bảo đảm an ninh năng lượng điện, hướng đến mục tiêu NetZero và góp phần thúc đẩy ngành điện phát triển bền vững, hiệu quả.

Thông tin về những điểm mới quan trọng trong Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Thứ trưởng Công thương Trương Thanh Hoài cho hay, một trong những điểm nổi bật của luật lần này là việc bổ sung các quy định mới về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà còn đóng góp vào mục tiêu đạt NetZero vào năm 2050.

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài khẳng định, việc sửa đổi luật lần này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo mà còn đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia và tăng cường phát triển ngành điện một cách bền vững.

Cụ thể, Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đưa ra một chương mới quy định cụ thể về phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới.

Chương III, gồm 2 mục chính với 10 điều, nêu rõ các nội dung liên quan việc điều tra tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, cũng như các quy định về phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, mục 2 của chương này quy định chi tiết về phát triển điện gió ngoài khơi, một nguồn năng lượng quan trọng trong tương lai. Các điều khoản trong mục này đề cập đến việc khảo sát dự án, chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi. Đây là bước đi quan trọng để khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam, đồng thời khẳng định cam kết của đất nước trong việc phát triển năng lượng tái tạo.

Phát triển nguồn điện tái tạo trong kỷ nguyên mới ảnh 2

Thứ trưởng Công thương Trương Thanh Hoài.

Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, các công trình điện gió ngoài 6 hải lý sẽ được xem là điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, trong thực tế, các công trình này hiện đang áp dụng công nghệ của điện gió ngoài khơi.

Việc quy định rõ ràng các tiêu chí và quản lý công trình điện gió ngoài khơi trong Luật Điện lực sẽ tạo ra sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, giúp các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý thực hiện các dự án hiệu quả hơn.

“Theo pháp luật về biển đảo hiện nay, các công trình ngoài 6 hải lý quản lý sẽ khác. Tuy nhiên, các công trình trong phạm vi 6 hải lý hiện đang sử dụng công nghệ điện gió ngoài khơi. Trong quá trình xây dựng chúng tôi tính toán đến sự thống nhất trong hệ thống pháp luật”, ông Hoài nói thêm.

Về điện mặt trời mái nhà, Thứ trưởng Công thương cho biết, các quy định pháp lý hiện nay đã tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, một số vấn đề kỹ thuật vẫn cần được giải quyết để bảo đảm độ ổn định của hệ thống điện quốc gia.

Phát triển nguồn điện tái tạo trong kỷ nguyên mới ảnh 4
Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện sẽ được điều chỉnh tuỳ theo từng giai đoạn và phụ thuộc vào hạ tầng lưới điện Việt Nam. (Ảnh: VĂN DUY)

Cụ thể, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện sẽ được điều chỉnh tuỳ theo từng giai đoạn và phụ thuộc vào hạ tầng lưới điện Việt Nam. Đối với các trường hợp thiếu hụt nguồn điện nền, Bộ Công thương cũng đang tính đến các giải pháp như sử dụng pin lưu trữ để cân bằng hệ thống điện.

Một điểm mới quan trọng khác là việc bổ sung cơ chế giá điện 2 thành phần, bao gồm giá công suất và giá điện năng. Bên cạnh đó, Luật Điện lực (sửa đổi) cũng bổ sung các quy định về điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia, bảo vệ công trình điện lực và bảo đảm an toàn trong lĩnh vực điện lực.

Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/2/2025. Để bảo đảm việc triển khai hiệu quả các quy định mới, Bộ Công thương đang tích cực hoàn thiện các nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện luật.

back to top