Chiều 7/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 4 lần vào các năm 2012; năm 2018; năm 2022 và năm 2023 (mới có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024). Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và các luật, nghị quyết khác.
Trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian, vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn và không bổ sung chính sách mới.
Tạo cơ sở pháp lý phát triển điện hạt nhân
Tham gia ý kiến tại hội trường, đại biểu Hoàng Đức Chính (đoàn tỉnh Hòa Bình) đặc biệt quan tâm tới chính sách phát triển điện hạt nhân. Theo đại biểu, việc đưa quy định phát triển điện hạt nhân vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là bước tiến quan trọng trong định hướng phát triển năng lượng quốc gia. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng (khoảng 10%/năm) và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Đại biểu Hoàng Đức Chính cho rằng, việc đưa quy định phát triển điện hạt nhân vào dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là bước tiến quan trọng trong định hướng phát triển năng lượng quốc gia. (Ảnh: DUY LINH) |
Các dự án điện hạt nhân bảo đảm cung cấp năng lượng sạch, dài hạn cho sản xuất nhất là với các ngành công nghệ cao đòi hỏi nguồn điện ổn định. Tại Việt Nam đã từng có kế hoạch phát triển điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Tuy nhiên vào năm 2016, Chính phủ đã quyết định tạm dừng các dự án điện hạt nhân, đặc biệt là dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do có lo ngại về an toàn, chi phí đầu tư cao, vấn đề công nghệ cũng như diễn biến về tình hình năng lượng tại thời điểm đó.
Để hoàn thiện dự án Luật, trong đó phát triển điện hạt nhân bền vững, đại biểu đề xuất cần xây dựng các điều khoản rõ ràng về đầu tư, quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân, vừa tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện hạt nhân trong thời gian tới.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung những quy định để quản lý chất thải phóng xạ, các biện pháp bảo đảm an toàn cho cộng đồng và môi trường khi thực hiện các dự án điện hạt nhân. Điều này nhằm tránh những lo ngại của người dân và tăng sự đồng thuận trong xã hội. Cùng với đó là bổ sung các điều khoản về khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển điện hạt nhân.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cũng nhất trí cao với chính sách phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, vì điện hạt nhân là loại hình điện đặc biệt, có yêu cầu rất cao về công nghệ, tài chính và nhân lực nên đại biểu đề nghị bổ sung quy định: Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết cơ chế đặc thù để phát triển, xây dựng, vận hành bảo đảm an toàn hạt nhân của các nhà máy điện hạt nhân.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), các quốc gia trên thế giới cũng đã có xu hướng tái khởi động hoặc phục hồi lại những nhà máy điện trước đây đã đóng cửa trong điều kiện bị thiếu hụt điện năng. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu có thể phục hồi lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận hoặc khởi động dự án khác trong thời gian sớm nhất, với điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, sức khỏe của người dân và quốc phòng an ninh.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) thì nhận định: Để việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng của quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050 thì cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về điện hạt nhân đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất quy định các cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân sao cho thành công, đạt hiệu quả cao.
Quang cảnh phiên họp chiều 7/11. (Ảnh: DUY LINH) |
Đại biểu cũng đề nghị cần phải có lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể, tránh làm lãng phí nguồn lực nhà nước đã đầu tư nguồn lực đất đai tại hai vị trí điện hạt nhân mà năm 2009 Quốc hội đã có Nghị quyết chủ trương đầu tư, xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2; 7 năm sau, năm 2016 Quốc hội ban hành nghị quyết dừng chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và 7 năm sau tháng 12/2023 thì Quốc hội, Chính phủ phân bổ vốn cho Ninh Thuận để xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống của nhân dân tại 2 vùng dự án.
"Việc đầu tư phát triển điện hạt nhân cần có chủ trương thống nhất triển khai thực hiện, bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, hiệu quả, tạo niềm tin cho Nhân dân", đại biểu nêu quan điểm.
Kiểm soát nguồn cung và giấy phép sẽ đẩy giá điện tăng cao
Về vấn đề độc quyền của ngành điện, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho biết, trong dự thảo tại điểm c khoản 2 Điều 5 quy định “Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện, truyền tải điện, trừ lưới điện truyền tải điện do tư nhân đầu tư xây dựng”. Quy định như vậy mâu thuẫn với khoản 5 Điều 5 về “xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải quốc gia".
"Lưới điện quốc gia hiện nay khoảng 95% do nhà nước đầu tư thì không thể xã hội hóa được theo khoản 5 Điều 5 của dự thảo luật", đại biểu nói.
Đại biểu kiến nghị sửa lại điểm c khoản 2 Điều 5 thành ‘’Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải cao áp và siêu cao áp’’.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu. (Ảnh: DUY LINH) |
Về vấn đề phân cấp phân quyền, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị Trung ương chỉ duyệt quy hoạch các công trình điện, việc thẩm định, phê duyệt dự án giao lại cho địa phương thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành điện.
Đại biểu cho rằng, trong dự thảo còn nhiều quy định, thể hiện sự độc quyền của ngành điện lực. Trong khi nhu cầu về điện ngày càng tăng cao nhưng dự thảo thắt chặt, kiểm soát nguồn cung cũng như quy định nhiều giấy phép sẽ đẩy giá điện tăng, làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.
Về xuất khẩu điện, đại biểu cho biết, dự thảo quy định giá xuất khẩu điện do đơn vị điện lực xây dựng. Quy định như dự thảo chưa phù hợp vì việc đầu tư là do doanh nghiệp nên giá bán điện phải do doanh nghiệp quyết định sau khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.
"Tại Cà Mau, có nhiều doanh nghiệp lớn đăng ký đầu tư điện gió để xuất khẩu. Các đối tác từ Singapore đang đặt vấn đề về mua bán điện, kéo lưới điện từ Cà Mau - Singapore không thông qua lưới điện quốc gia", đại biểu Nguyễn Duy Thanh nói và đề nghị tiền doanh nghiệp đầu tư thì phải để doanh nghiệp tự thỏa thuận giá bán với các đối tác nước ngoài mà không liên quan đến EVN.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung và làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá cho từng loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực.
Đại biểu đề xuất xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như giờ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng. Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào khung giờ thấp điểm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về giá và quy trình điều chỉnh giá điện.
Thêm nỗi lo khi giá điện tăng
Các điều chỉnh giá điện nên được công khai, minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài ra, cần bổ sung quy định cụ thể về các bước thực hiện mở cửa thị trường điện, bao gồm thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý công việc giám sát và điều phối thị trường điện, nhằm bảo đảm công bằng, minh bạch.
Cùng với đó, đưa ra các quy định về kiểm soát độc quyền của các tập đoàn lớn trong ngành điện, nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhà đầu tư.
Tại phiên thảo luận, tổng số có 104 lượt đại biểu phát biểu ý kiến. Đa số đại biểu đều cơ bản thống nhất việc cần thiết sửa đổi Luật Điện lực, do Luật hiện hành thiếu rất nhiều nội dung đã và đang phát sinh trong thực tiễn. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận vào một số nội dung như: đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực; cơ chế giá điện minh bạch và linh hoạt; phát triển năng lượng tái tạo; bảo đảm an ninh, an toàn năng lượng...