Ngành hàng sen của huyện Tháp Mười đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực ở lĩnh vực chế biến. Tuy nhiên, “mắt xích” xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sen huyện Tháp Mười phải đối mặt với một số khó khăn khi diện tích canh tác sen của nông dân giảm do ảnh hưởng từ tình hình dịch hại và cây bị thoái hóa giống.
Phát triển các sản phẩm chế biến từ sen
Để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến, giúp nông dân nâng cao thu nhập từ nghề trồng sen, huyện Tháp Mười đề ra nhiều giải pháp phát triển cây sen theo hướng bền vững hơn trong tương lai.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười Trần Đình Đăng Khoa, đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn huyện là 492,3ha, tăng 124,9ha so với cùng kỳ năm 2022. Vùng chuyên canh sen tập trung ở các xã: Mỹ Hòa, Trường Xuân, Hưng Thạnh và Thạnh Lợi.
Hiện huyện Tháp Mười được cấp 1 mã số vùng trồng sen với diện tích 38ha/19 hộ tham gia tại xã Hưng Thạnh. Ngoài ra, trong năm 2023, nhằm hướng nông dân phát triển ngành hàng sen của địa phương theo hướng bền vững, địa phương phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp thực hiện mô hình “Xây dựng và hoàn thiện mô hình điểm quy mô 100ha chuyển đổi sản xuất hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm” ở Tổ hợp tác sen xã Hưng Thạnh, quy mô 20ha.
Từ những kết quả bước đầu cho thấy, mô hình này đã giúp nông dân kiểm soát được tình trạng bệnh thối ngó, thối dây, cháy lá trên cây sen. Đồng thời, mô hình còn giúp nông dân nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
Nông dân Huỳnh Văn Cưỡng, ngụ Ấp 2A, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười tâm sự: “Trong xu hướng người tiêu dùng ngày càng khắt khe việc lựa chọn thực phẩm, thì việc chuyển đổi trồng sen theo hướng hữu cơ là hướng đi tất yếu.
Bởi đây không chỉ là giải pháp gắn kết niềm tin giữa người tiêu dùng và người nông dân mà đây còn là hướng đi cần thiết để nông dân có nhiều ưu thế hơn trong việc thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.
Vì vậy, ngay khi được ngành chuyên môn vận động tham gia mô hình, tôi và nhiều thành viên trong tổ hợp tác sen xã Hưng Thạnh rất đồng lòng thực hiện”.
Phân loại hạt sen tại nhà máy Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt tại thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười. |
Bên cạnh việc quan tâm xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, thời gian qua, huyện Tháp Mười chú trọng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chế biến từ cây sen, với các sản phẩm như: trà hoa sen, trà lá sen, trà tim sen, rượu sen, hạt sen sấy bơ, sen sấy Wasabi, hạt sen nước đường, sữa sen...
Đến nay, toàn huyện có 25 sản phẩm từ sen đạt tiêu chuẩn OCOP, 13 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao và 12 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.
Hiện tại, các sản phẩm chế biến từ sen của huyện không chỉ phục vụ rộng rãi ở các kênh phân phối tại thị trường nội địa mà còn được các doanh nghiệp xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới.
Kết nối, tìm hiểu thị trường
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng sen của huyện Tháp Mười vẫn còn những tồn tại. Phần lớn các công đoạn từ gieo trồng, thu hoạch đến sơ chế đều là thủ công, chưa có máy móc hỗ trợ, hạ tầng một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu.
Dịch bệnh thán thư, thối thân, thối ngó xuất hiện nhiều nhưng chưa có biện pháp quản lý hiệu quả. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái được khai thác trong nhiều năm nhưng chưa được đầu tư, làm mới. Chuỗi giá trị ngành hàng sen còn bỏ ngõ, chưa có hướng liên kết, phát triển bền vững.
Do đó, để khắc phục những hạn chế của ngành hàng và từng bước đưa ngành hàng sen phát triển theo hướng bền vững, huyện Tháp Mười đề ra nhiều giải pháp đồng bộ.
Nhiều sản phẩm OCOP huyện Tháp Mười là những mặt hàng được chế biến từ sen. |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười Đinh Công Phủ cho biết, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến các hộ nông dân sản xuất; phổ biến những tiềm năng, lợi thế, giá trị đặc thù của ngành hàng sen, tạo sự đồng thuận và thông suốt trong cả hệ thống chính trị và nông dân.
Đồng thời, huyện sẽ triển khai Kế hoạch phát triển ngành hàng sen đến năm 2025. Huyện phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn huyện đạt 1.000ha, trong đó, tập trung phát triển các vùng nguyên liệu sen tại các xã: Tân Kiều, Mỹ Hòa, Trường Xuân, Hưng Thạnh và Thạnh Lợi.
Phấn đấu hình thành tổ chức đại diện nông dân là hợp tác xã nhằm tổ chức sản xuất lớn gắn với việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sen được thuận lợi và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sen trên địa bàn về ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật sơ chế, chế biến các sản phẩm từ sen, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch sản phẩm. Đẩy mạnh công tác kết nối, tìm kiếm thị trường trong và ngoài tỉnh, quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười” trong và ngoài nước; tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án chế biến các sản phẩm từ sen. Chú trọng đến việc gia công, chế biến sạch gắn với xây dựng thương hiệu sen để phân phối vào các kênh hệ thống bán lẻ trong và nước ngoài.