Bảo tàng sống về các loài sen

Đến Trung tâm Thực nghiệm, nghiên cứu và phát triển nguồn gien cây sen (Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội), khó phân biệt được ai là nhà nghiên cứu, ai là nông dân, bởi những kỹ sư ở đây đều có nước da cháy nắng, bàn tay thô ráp… Những kỹ sư suốt ngày bì bõm lội đầm vạch lá, xem hoa. Nhờ thế, nơi đây có hàng trăm loài sen đua nhau khoe sắc. Sen là loài hoa đại diện cho mùa hạ; nhưng ở đây, sen có thể nở vào mùa đông, thậm chí, có thể nở vào… dịp Tết Nguyên đán.
0:00 / 0:00
0:00
Vợ chồng kỹ sư Nguyễn Văn Thủy bên đầm sen đang được lai tạo.
Vợ chồng kỹ sư Nguyễn Văn Thủy bên đầm sen đang được lai tạo.

Trời đã sang thu, nhưng những đầm sen ở Trung tâm vẫn đua nhau khoe sắc. Người ta thấy đủ loại từ sen trắng, sen hồng, sen đỏ, sen pháo hồng, sen cánh đơn, cánh kép...

Kỳ thú bảo tàng sen

Chỉ riêng sen trắng ở Trung tâm đã có tới gần 20 loài khác nhau: Sen cổ của đất Huế, sen Bắc Ninh, bạch liên hương, bỉ ngạn… Mỗi loài sen lại có vẻ đẹp riêng, dù bề ngoài “có vẻ” giống nhau. Cùng là sen trắng, cùng thanh nhã, cao sang, nhưng khi đặt bông sen cổ xứ Huế với bông bạch liên hương, sẽ thấy sen bạch liên hương khi nở tối đa, những cánh sen “điệu đà” hơn, uyển chuyển như những ngón tay đang múa.

Người ta không thể không “ồ, à” ngạc nhiên khi được hướng dẫn phân biệt các loài sen. Cùng sen hồng, có nụ sen thuôn dài như bàn tay đang chắp mà người đời gọi “tay búp sen”, có loài nụ lại tròn bầu, có loại hồng toàn cánh, có loại “phổ mầu” hồng thay đổi từ gốc đến ngọn cánh theo những sắc thái khác nhau. Có những loài có hình thức cánh sen gần giống, nhưng mầu sắc, cấu tạo đài sen lại khác nhau.

Phần nhiều mọi người nghĩ đài sen mầu vàng, nhưng lại có những loài sen đài mang mầu xanh, sớm mai, nhìn như những viên ngọc… Hay như giống sen bách diệp-loài sen bản địa nổi tiếng của người Việt-thì đến Trung tâm, ai cũng ngỡ ngàng trước kích thước khổng lồ của bông hoa. Những bông sen khi nở tối đa có đường kính bằng hai gang tay người lớn.

Trời gần chuyển sang trưa, những “ông chủ” của đầm sen vẫn bì bõm dưới đầm vạch lá, xem hoa. Suốt từ cuối xuân cho đến giữa thu, ngày nào cũng như ngày nào, những cán bộ ở Trung tâm đều dậy từ 2 đến 3 giờ sáng để thu hoạch sen. Ăn uống, nghỉ ngơi một lúc xong lại lội đầm.

Mới gặp, không ai nghĩ đấy là những “nhà nghiên cứu” về các giống loài sen. Ôm mấy bông sen vừa hái từ dưới đầm lên, chân tay vẫn sũng nước, kỹ sư Nguyễn Văn Thủy cười bảo: “Mùa chính của sen là mùa hè, mà ngày nào chúng tôi cũng bì bõm dưới đầm. Nông dân trồng sen chỉ cần nhìn cây khỏe, hoa to, đẹp là mừng rồi.

Còn chúng tôi phải lội đầm, kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của từng bông sen, theo dõi những giống lai mới, xem những ưu thế của bố mẹ có được truyền sang thế hệ con hay không, tốc độ sinh trưởng, phát triển thế nào, thời gian tàn của bông hoa ra sao… Rồi còn ghi chép lại thành báo cáo khoa học. Đầu trần, chân đất quen rồi”.

Trung tâm Thực nghiệm, nghiên cứu và phát triển nguồn gien cây sen hiện có 10 ha đầm, nhưng không giống như những đầm sen bát ngát khác, các chuyên gia về sen chia ra thành 16 đầm nhỏ để thuận tiện việc nghiên cứu, lai tạo.

Nơi đây hiện có tất cả 215 loài sen, trong đó có 65 loài bản địa, còn lại là các loài nhập ngoại lẫn những loài sen mới do các kỹ sư của Trung tâm lai tạo. Trung tâm này mới hoạt động ba năm nay, nhưng đã trở thành “bảo tàng” sống về các loài sen trên đất Việt bởi một quá trình hết sức lâu dài trước đó của “phù thủy” sen Lã Tiến Hiệp.

Kỹ sư Lã Tiến Hiệp vốn làm việc tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chuyên nghiên cứu về cây ăn quả. Trong quá trình làm việc, đi nhiều nơi từ nam ra bắc, anh rất ấn tượng về vẻ đẹp của sen. Hoa sen đẹp, ăn sâu vào tiềm thức người Việt bao đời. Cây sen lại hầu như không bỏ đi thứ gì, từ hoa, lá, củ, hạt… Trà sen là thức trà tinh túy bao đời.

Tại sao mình lại không nghiên cứu về sen, tại sao lại không phổ cập việc trồng sen cho nông dân, nhất là tại những địa bàn đất trũng, canh tác cây trồng khác không hiệu quả? Năm 1999 đánh dấu chính thức thời điểm anh Hiệp bắt đầu tìm tài liệu về cây sen, sưu tập những giống sen đầu tiên. Cây sen thân thuộc với người Việt là thế, mà nghiên cứu về sen lại rất ít. Các tư liệu cũ về sen chủ yếu là những… sáng tác văn học.

Anh Hiệp bước vào thế giới của những cây sen trong tâm thế vừa đi vừa dò đường như thế. Cây sen trong tự nhiên có sức sống mãnh liệt, nhưng khi trồng để canh tác, thì hàng chục loại bệnh có thể tấn công, gây hại. Không dễ để chết cả đầm sen, nhưng mất mùa là chuyện rất dễ xảy ra. Thí dụ, nếu bị bệnh bọ trĩ tấn công, chỉ cần ba ngày là “tan” cả đầm sen rộng hàng mẫu.

Cây sen vốn thích hợp mùa hè, kỵ nhất là thời tiết sương muối. Có những giống nhập ngoại phải mất nhiều công sức giống mới nhập về được, các kỹ sư nhiều khi mất ăn, mất ngủ vì lo lắng thời tiết, sâu bệnh… Mỗi khi thuần hóa, hoặc lai tạo thành công một loài mới, giữ được những đặc tính quý của bố mẹ, anh lại đứng hàng giờ ngắm thành quả của mình.

Đó là niềm vui không gì đánh đổi được. “Nhiều loài sen ở các nước có hình thức đẹp, đặc tính tốt. Chúng tôi luôn nghĩ làm thế nào để có thể thuần hóa trong điều kiện Việt Nam, hoặc đưa những đặc tính tốt ấy vào cải tạo giống sen bản địa của người Việt. Mỗi khi thử nghiệm, lai tạo, nhân giống…, chúng tôi hồi hộp chờ đợi kết quả. Chính quá trình chờ đợi đó cũng là điều thú vị khiến chúng tôi gắn bó với công việc”, anh Lã Tiến Hiệp cho biết.

Khát vọng về vị thế cho sen Việt

Để cho ra đời được một loài sen mới, ít nhất cũng phải mất 5 năm nghiên cứu. Bởi khi đã kết hợp được những gien trội của các cặp bố mẹ, phải tiếp tục nghiên cứu, theo dõi thêm nhiều “lứa” khác cho đến khi đạt độ ổn định về sinh trưởng, đạt được tiêu chuẩn về bộ cánh, mầu sắc, mùi hương… như mong muốn thì mới có thể chính thức ghi nhận.

Tùy vào mục đích lai tạo loài hoa để cắm, ướp trà, hay để lấy hạt mà các kỹ sư sẽ lựa chọn các cặp bố mẹ để lựa chọn những đặc tính phù hợp. Nhưng công việc như một “trò chơi xúc xắc”, không bao giờ đoán trước được kết quả. Có những con lai lấy được đặc tính này, nhưng lại đánh mất đặc tính kia. Để bù đắp thì phải làm nhiều mẫu lai chéo, hoặc… làm lại.

Trong những loài sen có “bản quyền” của Trung tâm, kỹ sư Lã Tiến Hiệp ưng ý nhất với một số loài như bạch liên hương, sen trắng kép viền hồng… Bạch liên hương ngoài hình thức đẹp khó loài sen nào bì kịp, hương thơm ngát thì còn có thời gian khoe sắc dài, lên tới bốn ngày-một đặc tính hiếm có của sen mà anh đã giữ được khi tạo giống.

Còn sen trắng kép viền hồng vừa có sắc, vừa có hương, cánh trắng có viền hồng bên ngoài. Thi thoảng, lại có đột biến, tạo ra những bông sen nửa cánh trắng, nửa cánh hồng... Hiện giờ, Trung tâm đang nỗ lực tạo ra loài sen để… chơi Tết, mặc dù sen là biểu tượng của mùa hè.

Hoa sen biểu trưng cho hy vọng về sự bình an, thanh tịnh trong tâm hồn, điều này phù hợp với những khát vọng của người dân khi Tết đến, xuân về. Song, ở miền bắc, gần Tết Nguyên đán thường có những đợt gió mùa đông bắc làm cho không khí khô, thời tiết có lúc xuống tới 8oC, sen hầu như không phát triển.

Vậy nên anh phải thuần hóa, lai tạo các đặc tính để sen thích ứng với nhiệt độ thấp bằng cách giao thoa phấn các loài để tạo ra một giống mới. Tết năm 2022, Trung tâm đã có thành công bước đầu với khoảng 30 chậu sen dòng: Juwaba, quan âm trắng, quan âm hồng, hoàng yến, môi hồng Quảng Nam, bạch tuyết… Anh Hiệp và cộng sự kỳ vọng sẽ mở rộng thành công trong những năm tiếp theo.

Trung tâm Thực nghiệm, nghiên cứu và phát triển nguồn gien cây sen vừa làm kinh tế, vừa nghiên cứu để tạo ra những loài sen có đặc tính ưu việt nhất, nghiên cứu “đời sống” và chu trình canh tác để rồi chuyển giao lại cho nông dân. Vì thế, cùng với nỗ lực tạo ra những giống sen có những đặc tính quý, bản thân những cán bộ Trung tâm luôn mong muốn làm sao để người dân có thể phát triển kinh tế từ cây sen.

“Sen không đơn thuần là một giống cây trồng, mà các nước phương Đông có cả bề dày văn hóa về cây sen. Trà sen loại chất lượng cao có thể lên đến khoảng 10 triệu đồng/kg. Cây sen hầu như không bỏ đi thứ gì. Giá trị kinh tế không phải là nhỏ. Nhưng để phát huy giá trị kinh tế, thì chúng ta cũng cần phát huy giá trị văn hóa, để quảng bá, nâng tầm sen Việt. Những việc này có liên hệ mật thiết với nhau. Để có thể quảng bá “văn hóa sen Việt”, cần có những vùng trồng sen lớn, ổn định. Nhưng chúng ta còn yếu khâu này. Những người làm sen chúng tôi có “mạng lưới” liên lạc với nhau. Hầu như ai cũng thấy “bấp bênh” không biết nay mai đầm sen của mình có bị thu hồi hay không. Người Việt Nam vốn coi sen là quốc hoa. Nhưng thực tế, phải có quy hoạch vùng về nông nghiệp mà người trồng có thể yên tâm đầu tư chăm sóc, nghiên cứu, phát triển các giống loài, phát triển các dịch vụ khác nhau liên quan đến cây sen. Đó là điều chúng tôi luôn kỳ vọng”, kỹ sư Lã Tiến Hiệp cho biết.