Gương sáng, việc hay

Tỷ phú trồng sen

Từ một nông dân bình thường, anh Lã Quang Khanh (ở thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh) hiện là chủ một đầm sen lớn. Mỗi năm, anh cung cấp ra thị trường hàng trăm nghìn bông sen, vài tấn trà sen. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Lã Quang Khanh giới thiệu về đầm sen của mình.
Anh Lã Quang Khanh giới thiệu về đầm sen của mình.

Thôn Liễu Trì là vùng đất trũng, điều kiện canh tác khó khăn cho nên nhiều người không gắn bó với ruộng đồng. Anh Lã Quang Khanh đã quyết định thuê lại đất nông nghiệp để nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau khi nghiên cứu thị trường và nghiên cứu kỹ thuật, anh quyết định chuyển hướng sang trồng sen.

“Khởi nghiệp” với khoảng 5 ha trồng sen, anh nhận thấy đây là hướng đi đúng. Nhu cầu thị trường khá cao, trong khi sen lại là giống cây ít gặp phải các loại bệnh gây hại. Thành công bước đầu này là cơ sở để anh hướng tới những mục tiêu cao hơn. Thời gian đầu, anh chủ yếu trồng sen quỳ lấy bát và hạt. Anh nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn về hoa sen để cắm, sen ướp trà, nhất là sen hồng bách diệp, sen trắng.

Anh Lã Quang Khanh đã đi gặp nhiều chuyên gia, đọc nhiều tài liệu về sen, nhập giống sen mới về để nhân rộng diện tích. Việc cải tạo các hồ, đầm để mở rộng diện tích trồng sen tốn nhiều công sức. Các loại bèo, cỏ lau mọc tầng tầng lớp lớp khiến nhiều người nhìn vào đã ngại. Dù mất đến gần một năm trời mới có “mặt bằng”, anh Khanh vẫn kiên trì thực hiện.

Từ những đầm, hồ đầy cỏ mọc, cánh đồng thôn Liễu Trì chuyển mình thành đầm sen rộng mênh mông, bát ngát. Vào ngày hè, từ xa, người ta đã thấy thoang thoảng hương sen. Những cây sen không phụ công người nuôi trồng, cho bông mập mạp, to khỏe. Khi mùa hè sang, cũng là lúc đầm sen của gia đình anh Lã Quang Khanh vào mùa thu hoạch. Mùa thu hoạch kéo dài đến tận đầu tháng 9 mới kết thúc.

Từ sáng tinh mơ, ông chủ đầm sen đã cùng người lao động chèo thuyền đi thu hoạch sen. Sen không ra hoa theo lứa, mà khi bông này nở thì nụ khác lại vươn lên cho nên ngày nào gia đình cũng tất bật với việc thu hoạch, cất hàng. Trung bình một ngày, đầm sen rộng 50 ha của anh Khanh cho thu hoạch khoảng 8.000 đến 10.000 bông sen các loại. Chỉ riêng thu nhập từ bán sen bông ra thị trường, mỗi năm gia đình anh đã thu về hàng tỷ đồng.

Nhận thấy việc bán bông sen sẽ gây lãng phí, anh Khanh lại tìm tòi và xây dựng quy trình ướp trà sen, gồm ướp trà bông và trà gạo sen. Anh Khanh cho biết: “Muốn ướp được những ấm trà ngon thì chúng tôi phải hái sen từ sớm, khi bông sen mới chúm chím nở. Lúc này sen vẫn giữ được nhiều hương thơm. Hái về lập tức phải đem ướp trà.

Mỗi bông sen cho lượng trà vừa đủ một ấm, bọc kín lại rồi cắm vào trong nước. Sau khi giữ như vậy một ngày, chúng tôi cắt ra, hút chân không rồi cấp đông để bảo quản lâu dài”. Việc ướp trà với gạo sen đòi hỏi tỉ mỉ hơn, nhưng cũng kén khách hơn, cho nên cùng lúc gia đình anh làm hai loại trà, trà khô và trà ướp bông. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm gia đình anh Lã Quang Khanh xuất ra thị trường khoảng 2 tấn trà sen.

Với sự hỗ trợ của huyện Mê Linh, anh Khanh đã xây dựng nhãn hiệu “Bạch thiên sen Hải Linh”. Thương hiệu này bước đầu được thị trường chấp nhận. Ngoài bán hoa, bán trà, cây sen còn cho nguồn thu phụ khác từ thu hoạch lá, củ. Mỗi năm, gia đình anh Lã Quang Khanh đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng từ việc bán các sản phẩm làm từ sen. Gia đình anh Khanh còn tạo thu nhập cho hơn 20 lao động địa phương.