Hoạt động logistics tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khó khăn, thách thức do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng chiến lược về giao thông và các hạ tầng khác còn hạn chế…
Chưa tương xứng với tiềm năng
Tỉnh Long An hiện có gần 19.000 doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp. Theo đó, nhu cầu logistics đường bộ và đường thủy trong xuất, nhập khẩu hàng hóa là rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thu hút các hãng tàu vận tải lớn cập cảng bốc xếp hàng hóa còn gặp khó khăn do nhiều hãng tàu vận tải quốc tế vẫn còn e ngại về chi phí gia tăng do mở tuyến mới và thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích so với một số cảng biển khác.
Trong một diễn đàn mới đây tại Long An, Tiến sĩ Trần Thị Anh Tâm, Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing (Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: "Xu thế độc quyền nhóm trên thị trường vận chuyển đã tác động lớn tới chiến lược cảng biển và đội tàu ở các quốc gia phụ thuộc vào vận tải biển như Việt Nam. Nó đặt ra nhu cầu phải thu hẹp hoạt động khai thác cảng vào một số rất ít các công ty có tiềm lực mạnh, sự dàn trải sẽ đánh mất lợi thế về nguồn hàng của cảng biển trước các hãng tàu quyền lực".
Hoạt động logistics tại Tiền Giang cũng như các địa phương trong vùng gặp một số hạn chế lớn như: Liên kết dịch vụ logistics giữa các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển. Sự kết nối chưa hiệu quả giữa các vùng sản xuất và chế biến, xuất khẩu hàng hóa cũng là nguyên nhân khiến chi phí logistics cao, thời gian vận chuyển kéo dài.
Hệ thống logistics, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn một số hạn chế trong khai thác vận tải đa phương thức, chưa có trung tâm logistics quy mô xứng tầm. Số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistics còn khiêm tốn, quy mô nhỏ, chủ yếu cung cấp dịch vụ đơn lẻ, thiếu tính liên kết; ứng dụng công nghệ đặc biệt trong thương mại điện tử và thương mại điện tử qua biên giới còn ở mức thấp. Chưa có cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ cho hoạt động logistics phát triển xứng tầm.
Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu khoảng 18 đến 20 triệu tấn hàng, logistics hạn chế đã làm tăng chi phí vận chuyển mỗi tấn hàng từ 6 đến 8 USD, làm giảm sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của các nước khác trên thị trường thế giới, gây khó khăn trong hoạt động thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đồng thời gia tăng áp lực lên các tuyến vận tải hàng hóa từ các tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh và không phát huy được thế mạnh của hệ thống đường thủy nội địa trong vùng.
Do đó, cần thiết phải có một cảng đầu mối để phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho vùng, giúp giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa chuyển tiếp lên cảng biển Đông Nam Bộ. Khi có cảng, ước tính sẽ giảm chi phí vận tải khoảng 30-50% tùy từng khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng.
Ngoài ra, việc xây dựng cảng này còn có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, phát huy hiệu quả hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư, thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển…
Để logistics phát triển nhanh và bền vững
Với lợi thế hiện có và để phấn đấu trở thành trung tâm trung chuyển của vùng, Long An đã tập trung phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng giao thông vận tải, kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics. Theo đó, trong quy hoạch Long An đến năm 2030 sẽ hình thành 10 trung tâm logistics tại các huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ, thị xã Kiến Tường và nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics tại huyện Đức Hòa.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm, địa phương đang xây dựng cơ chế, chính sách thu hút container vào cảng trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và xuất, nhập khẩu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của hệ thống cảng biển trên địa bàn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Chính sách thu hút container vào cảng sẽ được trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh vào cuối năm nay, sau khi được các đại biểu thống nhất ý kiến sẽ ban hành thực hiện.
Theo Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Sóc Trăng định hướng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc trình Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn đầu tư cảng Trần Đề, với số vốn ngân sách cho giai đoạn khởi động hơn 19.000 tỷ đồng.
Cảng biển Trần Đề sơ bộ có tổng mức đầu tư khoảng 162.730 tỷ đồng, giai đoạn khởi động có tổng mức đầu tư 44.695 tỷ đồng. Trong giai đoạn đầu, vốn đầu tư công hơn 19.400 tỷ đồng (chiếm khoảng 43% tổng vốn), vốn đầu tư từ doanh nghiệp gần 25.300 tỷ đồng (chiếm khoảng 57%). Dự án có vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn, việc kêu gọi đầu tư tư nhân gặp nhiều thách thức. Do đó, ngoài nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng bến cảng, kho bãi, cần bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu các hạ tầng hàng hải công cộng, kỹ thuật, giao thông.
Tại một hội nghị mới đây ở Tiền Giang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhấn mạnh: "Để tiếp tục phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy ngành logistics phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào sự phát triển chung, các địa phương cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết số 163 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và các nghị quyết, chính sách, chiến lược phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ có liên quan vùng Đồng bằng sông Cửu Long để làm căn cứ hoạch định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn và khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương".