Phát triển lâm sản chất lượng cao ở Bình Định

Với tiềm năng sẵn có, tỉnh Bình Định đã định hướng chiến lược phát triển trồng rừng gỗ lớn, tận dụng tối đa lợi thế về đất đai và khí hậu phù hợp để tổ chức sản xuất mới theo chuỗi giá trị từ việc trồng rừng, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Điều này giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất gỗ tại Công ty Hoàng Hưng (Bình Định).
Sản xuất gỗ tại Công ty Hoàng Hưng (Bình Định).

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có gần 10.000 ha rừng trồng cây gỗ lớn. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) gần 15.000 ha, trong đó, diện tích rừng trồng gỗ lớn là hơn 7.600 ha. Dự kiến đến năm 2025, tổng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn tập trung của tỉnh sẽ đạt 10.000 ha, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng là gần 16.000 ha. Định hướng đến năm 2030, diện tích rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn tập trung đạt hơn 50.000 ha, tỷ lệ sản lượng gỗ lớn bình quân đạt hơn 60%.

“Thủ phủ” ngành gỗ

Bình Định có diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp khoảng 415.700 ha gồm: Rừng tự nhiên 215.000 ha, rừng trồng 167.000 ha, đất chưa có rừng 65.000 ha, độ che phủ rừng hơn 57%. Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành gỗ và lâm sản so với các tỉnh duyên hải miền trung (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), độ che phủ rừng của Bình Định nằm trong nhóm khá tốt. Do đó, sự kết hợp phương thức tổ chức sản xuất mới theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư chế biến sâu, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm sản sẽ giúp Bình Định sớm đạt được mục tiêu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của vùng.

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết, với định hướng phát triển rừng trồng gỗ lớn, Bình Định đang trở thành một trong những địa phương có hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất trong cả nước. Tỉnh Bình Định cũng được mệnh danh là một trong những “thủ phủ” ngành gỗ của cả nước, là một trong các trung tâm phát triển cụm liên kết ngành về chế biến gỗ và lâm sản. Đáng chú ý, với vị trí địa lý thuận lợi, Bình Định được coi là cửa ngõ của Tây Nguyên, nam Lào… nên kết nối chặt chẽ các vùng nguyên liệu với cảng biển Quy Nhơn, mở ra cơ hội lớn cho ngành logistics phát triển.

Bình Định hiện là một trong những tỉnh có số lượng lớn nhà máy chế biến gỗ, tập trung ở các khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ với khoảng 300 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó 245 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư lớn, nguồn nhân lực dồi dào, công nhân có tay nghề bậc cao nên sản phẩm chế biến chủ yếu là đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn và các sản phẩm khác như dăm mảnh, viên nén tại đây ngày càng mở rộng về quy mô và chất lượng. Ngoài ra, với thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU, Anh, Australia, Nhật Bản… cùng một số nhóm hàng có giá trị kim ngạch lớn, ngành gỗ Bình Định ngày càng khẳng định được vị thế, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển ngành gỗ trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đánh giá, với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nguyên liệu, hạ tầng giao thông, lực lượng lao động và định hướng nhất quán chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Bình Định đã thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ quy mô lớn và hiện đang là một trong bốn trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước.

Tỉnh Bình Định đã tích cực vận động, khuyến khích doanh nghiệp chế biến gỗ tiếp cận và áp dụng công nghệ chế biến, quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng ISO, bên cạnh bảo đảm, thực hiện quy trình quản lý chuỗi hành trình FSC-CoC, chứng chỉ VFTN. Do vậy, việc sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu và khai thác từ các khu rừng được quản lý bền vững, có chứng chỉ FSC bước đầu đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của các nước EU và Hoa Kỳ. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã phát huy được hiệu quả, làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng liên kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên ngành đồ gỗ Bình Định đã đi vào hoạt động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tế, góp phần tăng cường hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu và nhãn hiệu sản phẩm.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Bình Định là địa phương có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, nguồn lực phong phú, hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi và hệ thống quản lý nhà nước thông thoáng. Ngành gỗ Bình Định có kim ngạch xuất khẩu chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đứng thứ tư về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước, nếu tính riêng khối doanh nghiệp Việt Nam thì chỉ sau tỉnh Bình Dương.

Phát triển lâm sản chất lượng cao ở Bình Định ảnh 1

Sản xuất gỗ tại Công ty cổ phần Tân Phú Sơn (Cụm công nghiệp thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ).

Hướng tới mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 2 tỷ USD

Tại Hội chợ quốc tế hàng phong cách ngoài trời lần đầu được tổ chức tại Quy Nhơn, ông Lập cho biết, với sự ủng hộ của các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ, các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu gắn với các hoạt động đầu tư trồng rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính của Quỹ Việt Nam Xanh sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đạt bước tiến lớn trong quá trình phát triển xanh, hợp pháp và bền vững. Hiện, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang chủ động tìm kiếm cơ hội giao thương, thiết lập các quan hệ hợp tác sâu rộng, lâu dài với các đối tác phù hợp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, cập nhật những mẫu mã thiết kế mới, xu hướng mới của phong cách hàng Furniture và công nghệ máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến, tự động hóa phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó hướng tới mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD của ngành gỗ Bình Định vào năm 2030.

Thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đã được mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì thế, ngành chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ đã và đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng, chủ lực trong nền kinh tế nước ta. Mỗi năm, ngành gỗ xuất khẩu trung bình hơn 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ năm thế giới, thứ hai châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, theo định hướng phát triển đến năm 2030, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Bình Định là gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn một tỷ USD. Với mục tiêu này, Bình Định đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy việc áp dụng công nghệ cao trong ngành gỗ, bao gồm việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, và tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ. “Chúng tôi luôn mong muốn các tổ chức, hiệp hội, các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại Bình Định. Tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tích cực nhất để các đối tác, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, hiệu quả tại địa phương”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, thị trường đồ gỗ nội, ngoại thất dự kiến sẽ đạt ngưỡng 644 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép là 5,7% trong giai đoạn 2022-2030. Đây được coi là động lực mạnh mẽ để ngành gỗ Việt Nam tiếp tục khắc phục, vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt. Tuy nhiên, để đáp ứng được triển vọng tăng trưởng này, ngành gỗ Việt Nam phải đặt ra chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn. Một trong những mục tiêu quan trọng là tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển ngành gỗ theo hướng đổi mới công nghệ-kỹ thuật, dây chuyền sản xuất… ■