Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trình bày nhiều tham luận về tiềm năng, lợi thế và những yếu tố tác động đến kinh tế sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế sông nhìn từ góc độ phát triển bền vững. Bài học kinh nghiệm phát triển kinh tế sông từ các quốc gia và quan điểm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Các đại biểu cho rằng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, cuộc sống người dân gắn bó chặt chẽ, mật thiết với các con sông. Các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra lưu vực các con sông và trên những dòng sông từ đó hình thành văn hóa sông nước, văn minh miệt vườn. Tuy nhiên, do đường bộ phát triển nhanh trong khi giao thông thủy không được đầu tư đúng mức để phát triển kinh tế, vai trò các con sông trong phát triển kinh tế-xã hội giảm dần. Bên cạnh đó, do tác động của các đập thủy điện thượng nguồn sông Mekong, biến đổi khí hậu làm nguồn nước đổ về các con sông ít đi và Đồng bằng sông Cửu Long ít xuất hiện lũ trong vòng hơn 10 năm qua, ảnh hưởng đến sinh kế người dân trong vùng.
Vai trò của sông đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long là không thể thay thế. Do vậy, để phát triển kinh tế sông, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần đầu tư hạ tầng phát triển giao thông thủy nội địa, như các bến cảng, bến thủy nội địa, nạo vét, khơi thông các luồng tuyến phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa kết hợp với du lịch; có kế hoạch sử dụng nguồn nước hiệu quả, hợp lý trong sinh hoạt, sản xuất; sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, giảm sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để giảm ô nhiễm nguồn nước. Các địa phương chia sẻ thông tin, tăng cường liên kết bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước mặt và nước ngầm; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển các dịch vụ logistics ở các sông lớn và các dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn…