Dự án bauxite Tây Nguyên:

Phát triển kinh tế đi đôi với an sinh xã hội

NDO - Các dự án bauxite của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) trên địa bàn Tây Nguyên từ khi hoạt động đến nay không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương nơi nhà máy đứng chân, mà còn giúp giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm alumin.
Sản phẩm alumin.

Đời sống người dân đi lên

Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) được Chính phủ cấp phép hoạt động. Sau 5 năm chính thức vận hành (2017-2022), Nhà máy Alumin Nhân Cơ (thuộc Công ty Nhôm Đắk Nông) đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách địa phương.

Hoạt động khai thác bauxite, chế biến alumin phục vụ xuất khẩu và quá trình luyện nhôm đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Đắk Nông, từ đó, giúp cho đời sống của người dân chung quanh khu vực ngày một nâng cao nhờ có việc làm ổn định.

Theo ông Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông, từ khi có Nhà máy Alumin Nhân Cơ, bộ mặt của xã Nhân Cơ và huyện Đắk R'lấp có nhiều thay đổi đáng kể. Đáng chú ý, nhà máy tạo điều kiện việc làm trực tiếp cho hơn 1.100 lao động địa phương và nhiều lao động gián tiếp liên quan.

“Ngay từ đầu, chính sách của Tập đoàn TKV nêu rất rõ là ưu tiên người dân trong vùng dự án làm việc tại nhà máy. Trên thực tế, trước khi nhà máy đi vào hoạt động, TKV đã tổ chức đào tạo miễn phí cho gần 650 người dân địa phương để phục vụ dự án. Hiện nay, số người dân địa phương làm việc tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ còn khoảng 600 người. Khi tuyển dụng lao động, Nhà máy vẫn áp dụng cơ chế của TKV ưu tiên người dân địa phương. Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cũng đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh có kế hoạch chuẩn bị đào tạo, thu hút lao động cho dự án, đặc biệt là các dự án tiếp theo nếu TKV mở rộng quy mô khai thác”, ông Ninh cho hay.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đánh giá, nhà máy Alumin Nhân Cơ đi vào vận hành thử nghiệm từ tháng 11/2016. Sau 6 năm vận hành sản xuất, dự án đã đem lại kết quả rất tốt cho kinh tế địa phương, nộp ngân sách cho địa phương khoảng 400 tỷ đồng/năm.

"Lãnh đạo tỉnh đều thống nhất cho rằng, dự án Alumin đóng góp hết sức quan trọng vào tăng trưởng khu vực công nghiệp, chiếm gần 40% sản xuất công nghiệp của tỉnh. Dự án đã góp phần đưa tỷ trọng công nghiệp của tỉnh tăng từ 7,9% năm 2016 lên gần 13% vào năm 2021", ông Mười thông tin.

Bon Bù Dấp (xã Nhân Cơ, huyện Đăk R'lấp) mấy năm gần đây đổi thay thấy rõ với nhiều ngôi nhà xây mới khang trang, đường giao thông phong quang, sạch sẽ. Người dân ở bon Bù Dấp chủ yếu là đồng bào M'Nông sinh sống, phần lớn người dân ở trong độ tuổi lao động đều là công nhân của Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Với thu nhập bình quân hằng tháng khoảng 10 triệu đồng/người, cuộc sống của bà con sung túc hơn trước rất nhiều.

Phát triển kinh tế đi đôi với an sinh xã hội ảnh 1

Ngôi nhà xây mới khang trang ở Bon Bù Dấp

Anh Điểu Phương, công nhân Nhà máy Alumin Nhân Cơ chia sẻ, trước đây khi có nhà máy nhôm, người dân trong bon chủ yếu sinh sống bằng chăn nuôi nhỏ lẻ, đánh bắt tôm cá,... thu nhập rất thấp. Sau đó khi nhà máy thành lập, tôi may mắn được tuyển dụng, thu nhập của gia đình ổn định hơn nhiều, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá.

Còn vợ chồng anh Lê Văn Hòe, nhập cư từ ngoài bắc vào, làm công nhân của nhà máy nhôm từ 3 năm trước. Hồi mới đến, anh chị còn phải thuê nhà ở tạm, mới đây, vợ chồng anh đã hoàn thành xây dựng ngôi nhà mới, cuộc sống của gia đình anh đã trở nên ổn định.

"Hồi mới vào làm công nhân, lúc đầu tôi chỉ xác định làm 1-2 năm có tý vốn liếng rồi lại kéo về quê, nhưng vào trong này làm một thời gian, thấy cuộc sống khá tốt, tôi đã vận động vợ con cùng vào lập nghiệp. Bây giờ vợ chồng tôi mua đất dựng nhà, kinh tế ổn định. Giờ chúng tôi xem Nhân Cơ là quê hương thứ 2 của mình và xác định an cư lạc nghiệp trọn đời", anh Hòe cho hay.

Phát triển ngành chế biến quặng bauxite

Theo kế hoạch dự kiến, đến năm 2035, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ đầu tư, phát triển khoáng sản bauxite tại Đắk Nông với tổng vốn đầu tư khoảng 120.428 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2050, tổng nhu cầu sử dụng đất của TKV vào khoảng 27.869 ha.

Công ty Nhôm Đắk Nông có nhiệm vụ trực tiếp quản lý và vận hành Nhà máy Alumin Nhân Cơ với mục tiêu lợi nhuận, sử dụng có hiệu quả, phát triển nguồn vốn và các nguồn lực do TKV giao, đóng góp cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, giải quyết việc làm cho người lao động và tích lũy các nguồn lực để phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng bauxite.

Tuy gặp không ít khó khăn và thách thức, nhưng với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, dưới sự chỉ đạo đúng hướng của lãnh đạo Tập đoàn TKV, quá trình hoạt động của công ty ngày càng hiệu quả.

Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Đắk R'lấp, TKV đã tích cực hưởng ứng các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo đời sống những gia đình chính sách, đồng bào nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Phát triển kinh tế đi đôi với an sinh xã hội ảnh 2

TKV tích cực đóng góp cho an sinh xã hội tại địa phương

Tập đoàn TKV cũng chỉ đạo hai đơn vị thành viên thực hiện tốt công tác an sinh xã hội đối với địa phương vùng Tây Nguyên nơi nhà máy đứng chân. Thông qua hỗ trợ kinh phí, TKV đã triển khai các công trình phúc lợi xã hội, đóng góp các quỹ phúc lợi cho các địa phương vùng Tây Nguyên hơn 175 tỷ đồng. Công ty còn hỗ trợ kinh phí xây dựng nhiều công trình công cộng như trường học, trạm y tế…

Đáng chú ý, TKV cũng tổ chức tuyển chọn và đào tạo hàng trăm người với chế độ học bổng toàn phần, trong đó phần lớn là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng dự án.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười cho hay, dự án Alumin Nhân Cơ đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương và đóng góp nhiều vào công tác xã hội trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, dự án đã trích nhiều tỷ đồng làm công tác xã hội, từ thiện trên địa bàn tỉnh cũng như hỗ trợ cho đồng bào vùng dân tộc

Ông Bùi Xuân Quý, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) bày tỏ, Công ty Nhôm Lâm Đồng từ khi thành lập đã làm rất tốt công tác nhân đạo, từ thiện, thí dụ như xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống nước sạch cho các khu dân cư nơi nhà máy hoạt động.

Vào các dịp lễ, Tết, công ty cũng quan tâm hỗ trợ quà cho các hộ nghèo và cũng khó khăn trên địa bàn. Dịp tết trung thu, 1/6, công ty cũng tổ chức các hoạt động vui chơi cho các cháu thiếu nhi. Doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm, vai trò xã hội của mình - ông Quý nói.

Theo ông Tường Thế Hà, Phó giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng, ngay từ việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đơn vị đã xác định hoạt động sản xuất của công ty phải gắn chặt với văn hóa, xã hội của địa phương.

"Tất cả các hoạt động của địa phương, chúng tôi đều tham gia đầy đủ, thể hiện trách nhiệm từ các hoạt động an sinh xã hội, văn hóa, thể dục thể thao,…Các hoạt động chung của địa phương đều có hình ảnh của Nhôm Lâm Đồng. Mối quan hệ với người dân địa phương của doanh nghiệp ngày càng khăng khít, gắn bó. Cán bộ, công nhân địa phương coi công ty là nhà của mình, người dân coi công ty là đứa con của quê hương nên có nhiều đóng góp, tạo điều kiện cho công ty phát triển”, ông Hà chia sẻ.