Phát triển Khu kinh tế nam Phú Yên

Tỉnh Phú Yên đang hoàn chỉnh Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế nam Phú Yên đến năm 2040 để trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Khu kinh tế nam Phú Yên có phạm vi điều chỉnh quy hoạch khoảng 20.730ha, phía bắc giáp sông Đà Rằng, phía nam giáp huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), phía đông giáp Biển Đông và phía tây giáp hành lang cao tốc bắc-nam.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất nhân hạt điều xuất khẩu ở một doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp tại Phú Yên. (Ảnh VIỆT AN)
Sản xuất nhân hạt điều xuất khẩu ở một doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp tại Phú Yên. (Ảnh VIỆT AN)

Đến năm 2040, Khu kinh tế nam Phú Yên sẽ phát triển theo hướng khu kinh tế biển tổng hợp, đa ngành, đa năng với trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển; trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch cấp quốc gia và khu vực, tạo điểm bứt phá về kinh tế-xã hội trong khu vực Nam Trung Bộ, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, tập đoàn sẽ đầu tư bốn dự án vào khu kinh tế với tổng vốn khoảng 120 nghìn tỷ đồng gồm: Dự án kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm; Dự án cảng Bãi Gốc; Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và Dự án Khu thương mại-dịch vụ. Tập đoàn PETMAL Oil Holdings (Malaysia) cũng đề xuất với tỉnh Phú Yên xây dựng một tổ hợp lọc hóa dầu hiện đại với công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm gồm các sản phẩm chủ yếu: Polypropylen, benzen, xăng RON 92, xăng RON 95... Tổng mức đầu tư thực hiện dự án dự kiến khoảng 5 tỷ USD, diện tích sử dụng đất là 500ha và diện tích mặt nước khoảng 500ha.

Ngoài ra một số nhà đầu tư khác cũng đề xuất các dự án đầu tư vào Khu kinh tế nam Phú Yên như Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty CP Tập đoàn Kiến Á… ở các lĩnh vực xây dựng đô thị hiện đại, du lịch dịch vụ tầm cỡ… Nhiều nhà đầu tư cho rằng Khu kinh tế nam Phú Yên nằm ở khu vực ven biển, đầy đủ lợi thế để phát triển các ngành kinh tế biển. Ngoài ra Khu kinh tế nam Phú Yên còn tiếp giáp Khu kinh tế bắc Khánh Hòa (Khu kinh tế Vân Phong) sẽ liên kết hỗ trợ cho nhau hình thành cụm cảng Vân Phong-Vũng Rô, một trong những cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên.

Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế nam Phú Yên đến năm 2040 đã được thông qua, Khu kinh tế nam Phú Yên có diện tích 20.730ha; có vành đai công nghiệp phía tây, vành đai du lịch, dịch vụ và đô thị ven biển ở phía đông và hành lang xanh ven sông Ba và sông Bàn Thạch. Khu kinh tế nam Phú Yên sẽ hình thành ba trung tâm phát triển chính: Trung tâm đô thị và hậu cần sân bay, Trung tâm đô thị Hòa Vinh, Trung tâm đô thị thương mại ven biển.

Phát triển Khu kinh tế nam Phú Yên ảnh 1

Cơ sở hạ tầng Khu kinh tế nam Phú Yên được đầu tư hoàn thiện. (Ảnh TRUNG THI)

Tam giác phát triển du lịch phía nam với ba mũi nhọn là khu vực Biển Hồ-núi Đá Bia, khu du lịch Mũi Điện-Bãi Môn và khu du lịch Hòn Nưa. Khu kinh tế nam Phú Yên cũng phân định sáu phân khu chức năng, tập trung định hướng phát triển đô thị, du lịch sinh thái, dịch vụ du lịch hỗn hợp ven biển, phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ… bảo đảm sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường địa phương trong tương lai.

Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, nhưng xác định Khu kinh tế nam Phú Yên là trung tâm, động lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương, cho nên tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, sớm hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Cụ thể như về hệ thống hạ tầng giao thông, hiện nay Khu kinh tế nam Phú Yên có hệ thống giao thông đường sắt đi qua; khu hàng không dân dụng Cảng hàng không Tuy Hòa, phục vụ hai tuyến bay: Tuy Hòa-Thành phố Hồ Chí Minh và Tuy Hòa-Hà Nội với công suất 550.000 lượt khách/năm. Bờ biển Phú Yên có chiều dài 189km, với một cảng vận tải tổng hợp Vũng Rô với công suất thiết kế 250.000 tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 tấn. Tỉnh đang lựa chọn nhà đầu tư xúc tiến xây dựng cảng biển Bãi Gốc…

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Chính phủ đã khảo sát khu vực xây dựng cảng Bãi Gốc, nghe báo cáo và chỉ đạo định hướng việc xúc tiến xây dựng cảng Bãi Gốc. Theo Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2021, cảng Bãi Gốc phục vụ và phát triển Khu công nghiệp Hòa Tâm thuộc Khu kinh tế nam Phú Yên. Cảng Bãi Gốc có tổng diện tích sử dụng đất và mặt nước là 220ha.

Ông Lê Tấn Hổ cho biết, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025, việc đầu tư, phát triển cảng Bãi Gốc và Khu công nghiệp Hòa Tâm là hạt nhân của Khu kinh tế nam Phú Yên, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế biển. Đây là lợi thế của tỉnh trong tăng cường liên kết giữa các vùng, địa phương trong quá trình phát triển, nhất là giữa nam Phú Yên-bắc Khánh Hòa và Phú Yên-Tây Nguyên nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Với sự quan tâm đầu tư, xúc tiến quảng bá, đến nay tại các khu công nghiệp và Khu kinh tế nam Phú Yên đã thu hút 118 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký gần 10.200 tỷ đồng và 35,7 triệu USD, trong đó có 101 dự án có vốn đầu tư trong nước, 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài… “Tỉnh Phú Yên sẽ luôn đồng hành để hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư vào Khu kinh tế nam Phú Yên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”, ông Lê Tấn Hổ cam kết.

Khu kinh tế nam Phú Yên có vai trò trung tâm, là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế nam Phú Yên đã xác định: Xây dựng và phát triển Khu kinh tế nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, kết hợp với Khu kinh tế Vân Phong tạo thành Vùng kinh tế nam Phú Yên-bắc Khánh Hòa với quy mô lớn, sức hấp dẫn cao, là động lực thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.

Thực hiện xuyên suốt quan điểm phát triển bền vững, Phú Yên hiện nay đang tích cực kêu gọi thu hút đầu tư nhưng cũng rất thận trọng trong lựa chọn, ưu tiên các nhà đầu tư lớn, chiến lược, với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế xanh, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Đồng chí PHẠM ĐẠI DƯƠNG

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên