Phát triển internet Việt Nam rộng khắp, phổ cập, an toàn, bền vững và thông minh

NDO - Theo dự báo của Statista, thế giới sẽ có hơn 7,5 tỷ người dùng internet và hơn 29 tỷ thiết bị IoT tới năm 2030. Sự bùng nổ về kết nối internet sẽ đặt ra thách thức rất lớn cho hạ tầng internet - hạ tầng lõi cho các kết nối trong kỷ nguyên số. Để bảo đảm hạ tầng internet có thể đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới, công tác phát triển hạ tầng cần được xây dựng, định hướng một cách bài bản, với mục tiêu an toàn, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) Nguyễn Hồng Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị chính.
Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) Nguyễn Hồng Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị chính.

Từ ngày 4 đến ngày 7/6, tại Hà Nội, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC - Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức sự kiện thường niên VNNIC Internet Conference 2024 chủ đề “An toàn, bền vững hạ tầng internet trước sự phát triển các công nghệ mới”.

Đây là diễn đàn để cộng đồng chuyên gia cùng thảo luận về cơ hội, thách thức và định hướng phát triển hạ tầng internet trong kỷ nguyên mới, hướng tới bảo đảm đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ internet, công nghệ mới trong bối cảnh internet luôn thay đổi và phát triển nhanh chóng, hạ tầng internet cần thay đổi, cải tiến.

VNNIC Internet Conference 2024 bao gồm chuỗi các sự kiện workshop và hội nghị. Trong đó, 3 workshop là "An toàn, tin cậy hoạt động internet" (được tổ chức ngày 4/6) dành cho sinh viên; DNS Security (tổ chức trong 2 ngày 5 và 6/6) dành cho cán bộ kỹ thuật quản lý/quản trị/vận hành DNS tại các Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị phụ trách công nghệ thông tin các cơ quan khối bộ, ngành; và workshop IPv6 Security (ngày 5 và 6/6) dành cho cán bộ kỹ thuật, quản lý/quản trị/kỹ sư mạng của các tổ chức, doanh nghiệp.

Hội nghị chính được tổ chức sáng 7/6, tập trung khai thác các vấn đề về an toàn, bền vững hạ tầng internet trước sự phát triển của các công nghệ mới với 3 phiên chuyên đề. Đó là: (1) Hạ tầng internet và các công nghệ mới; (2) Tin cậy, an toàn trong hoạt động internet, (3) Cuộc họp hội đồng IPv6 Forum khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sự kiện năm nay có sự tham gia của nhiều diễn giả chính và các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực internet; thu hút, kết nối hơn 400 lãnh đạo/CEO và các chuyên gia, kỹ sư internet đến từ các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan phụ trách công nghệ thông tin khối bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, di động, Cloud, IDC, dịch vụ nội dung;...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: Kể từ thời điểm chính thức kết nối với internet toàn cầu năm 1997, internet Việt Nam đã phát triển như vũ bão, trở nên lớn hơn về quy mô, nhanh hơn về kết nối, hiện đại hơn về công nghệ. Từ một mạng độc lập duy nhất, đến nay internet Việt Nam đã phát triển lên tới gần 1.000 mạng có IP và số hiệu mạng độc lập kết nối với nhau; tỷ lệ chuyển đổi sử dụng địa chỉ internet mới IPv6 đạt 60%, top 10 quốc gia cao nhất toàn cầu.

Để đáp ứng giai đoạn chuyển đổi số, hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Để đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ internet, công nghệ mới, hạ tầng internet Việt Nam cần thay đổi, cải tiến, tương thích với sự phát triển của các công nghệ mới, nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn, bền vững.

Với chủ đề “An toàn, bền vững hạ tầng internet trước sự phát triển các công nghệ mới”, tại sự kiện VNNIC Internet Conference 2024, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng mong rằng, các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia quốc tế, trong nước sẽ cùng thảo luận, kết nối, hợp tác, qua đó xác định được các giải pháp hướng tới phát triển hạ tầng internet Việt Nam hiện đại, thông minh, an toàn, là nền tảng cốt lõi cho internet Việt Nam phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn, đem lại các giá trị cho người sử dụng, cho toàn thể xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sẽ thảo luận các mục tiêu và định hướng để mở rộng kết nối internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng (peering), kết nối tới trạm trung chuyển internet (IXP), tới trạm trung chuyển internet quốc gia VNIX; mở rộng kết nối internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối, trung tâm dữ liệu khu vực.

Bộ cũng mong muốn các đại biểu sẽ cùng thảo luận các giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng internet nhanh, mạnh, thông minh; tạo ra, quản lý và khai thác nhiều dữ liệu quá trị; phát triển các công nghệ mới, ứng dụng các giải pháp mới (5G, IoT, Cloud, IPv6+, AI), bảo đảm tài nguyên (IPv6) cho môi trường số; thúc đẩy người sử dụng lên môi trường số, song song với đem lại các giá trị và bảo vệ người sử dụng trên môi trường số.

Hạ tầng quyết định sự phát triển của công nghệ, nền tảng và dịch vụ. Mạng Internet muốn phát triển thông minh, an toàn cần phải giải quyết từ nền tảng lõi. Do vậy, chúng ta cần bảo đảm sự an toàn, tin cậy, bền vững cho internet thông qua các giải pháp, công nghệ phát triển và đảm bảo an toàn cho hạ tầng internet, an toàn kết nối, an toàn cho các hạ tầng trọng yếu như DNS, VNIX

Sự kiện VNNIC Internet Conference 2024 đã tạo cơ hội để cộng đồng internet Việt Nam học hỏi, kết nối, hợp tác với các chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp lĩnh vực internet, ICT hàng đầu thế giới.

Sự kiện còn có hoạt động dành riêng, mở rộng cho sinh viên nhằm tạo điều kiện giới trẻ ứng dụng, khai thác giá trị internet và tài nguyên internet, tên miền quốc gia “.vn” trong học tập và khởi nghiệp.

Kỷ nguyên thông minh với sự phát triển của các công nghệ mới dẫn đến sự bùng nổ thiết bị kết nối, truyền tải dữ liệu trong các mọi hoạt động đời sống, đặt ra nhiều thách thức cho hạ tầng internet. VNNIC Internet Conference 2024 cùng cộng đồng chuyên gia trong và ngoài nước kỳ vọng sẽ cùng nhau thảo luận, chia sẻ các công nghệ, giải pháp mới nhằm định hướng phát triển hạ tầng internet, góp phần bảo đảm internet Việt Nam rộng khắp, phổ cập, an toàn, bền vững và thông minh.