Sứ mệnh quan trọng của giáo dục đại học:

Phát triển con người và đào tạo đáp ứng nhân lực chất lượng cao

NDO - Ngày 18/10, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm trực tuyến “Giáo dục đại học: Thách thức và cơ hội”.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm.
Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm.

Đánh giá về tình hình giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết: Giáo dục đại học chuyển mình ngày càng mạnh mẽ để đáp ứng kỳ vọng của xã hội, của Đảng, của Nhà nước, của mỗi một người dân về giáo dục đại học.

Trong đó, điểm nhấn đầu tiên là ngày càng hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật để có hành lang pháp lý đủ để giáo dục đại học vừa mở rộng quy mô, nhưng phát triển đúng hướng và từng bước vững chãi; tiếp theo, chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên; cùng với đó là sự đổi mới trong quản trị giáo dục đại học, trả lại tự chủ đại học đúng ý nghĩa giá trị bản thân, giúp các trường đại học đang từng bước tự tin đón nhận và lớn mạnh bằng tự chủ.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì giáo dục đại học đang gặp phải những thách thức đó là làm sao đáp ứng kỳ vọng của xã hội và nhân dân. Giáo dục đại học có 2 sứ mệnh quan trọng là phát triển con người và đào tạo đáp ứng nhân lực chất lượng cao. Điều này gắn với phát triển đột phá chiến lược của Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, sự biến động không đoán định được, giáo dục đại học phải nắm được yêu cầu của thế giới, của công nghệ, không chỉ phát triển về chất lượng mà còn là quy mô.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, nhiều trường đại học cung cấp chương trình đào tạo từ xa, đó là cơ hội nhưng cũng là vấn đề khiến chúng ta cần có suy nghĩ để thích ứng, trong khi nguồn lực có hạn. Cạnh tranh nhưng về cơ sở vật chất, trường lớp, diện tích giảng đường, phòng thí nghiệm, trang thiết bị... vẫn khó khăn. Đội ngũ giảng viên để tăng nhanh không dễ. Giảng viên trình độ tiến sĩ chỉ chiếm 30%, thấp hơn rất nhiều so yêu cầu. Đây là những thách thức lớn.

Bên cạnh đó, một vấn đề lớn của giáo dục đại học là tỷ lệ người theo học đại học so số lượng dân số của Việt Nam hiện nay còn thấp, ảnh hưởng tới nguồn nhân lực chất lượng cao, tới sự phát triển của xã hội. Về vấn đề này, GS, TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cho biết: Do sức hấp dẫn của giáo dục đại học đối với thế hệ trẻ giảm sút, sinh viên vào các trường đại học bây giờ không thấy háo hức như trước, điều này làm giảm động lực học tập của sinh viên. Cùng với đó là do mức lương khi các em sinh viên tốt nghiệp ra trường được trả quá thấp. Thí dụ như ngành giáo dục mầm non vẫn chỉ trả lương trung cấp, như vậy thì làm sao có thể có cơ cấu giáo dục mầm non tốt?

Đáng chú ý, các trường đại học hiện nay khi có ngành nghề nào dễ được tuyển dụng thì các trường sẽ “ào ào” mở các lớp nhưng vì chúng ta chỉ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên lượng nhân sự cần thiết không lớn, chỉ cần đào tạo một, hai năm ngành đó không tuyển sinh được nữa. Điều này cho thấy việc đào tạo của các trường hiện đang nhanh bị bão hòa do nền kinh tế chưa tiêu thụ hết các sản phẩm đào tạo có lượng đầu ra lớn như vậy.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mối quan hệ hữu cơ giữa 3 yếu tố: “Nguồn lực - tính hệ thống - cơ chế chính sách” đối với giáo dục đại học chưa được giải quyết triệt để, bên cạnh việc đầu tư cho giáo dục đại học chưa tương xứng với quy mô, vẫn còn có sự chưa đồng bộ trong hành lang pháp lý đối với tự chủ đại học để phát huy nội lực của hệ thống.

Phát triển con người và đào tạo đáp ứng nhân lực chất lượng cao ảnh 1
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ tại tọa đàm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết: "Chúng ta đang xoay quanh vấn đề hệ thống các văn bản pháp luật, đặc biệt hệ thống luật pháp tháo gỡ như thế nào để trao quyền tự chủ và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho tự chủ đại học. Ở đây tôi muốn đề cập tới một số điểm bất cập trong hành lang pháp lý. Giáo dục đại học có luật chuyên ngành, nhưng các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học còn bị chi phối bởi các luật chuyên ngành khác như Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, sắp tới đây là Luật Đất đai (sửa đổi) và vẫn còn nhiều quy định vướng mắc".

Trong quá trình xây dựng, sửa đổi hệ thống luật pháp cần bảo đảm tính đồng bộ. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi được lấy ý kiến các luật liên quan thì phải nghiên cứu rất kỹ, phải xác định đây là cơ hội để giải quyết các vấn đề liên quan giáo dục đại học.

Tại toạ đàm, các đại biểu cùng bàn về thực trạng của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay; các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc và thách thức của giáo dục đại học. Đồng thời, các đại biểu cũng chỉ ra các nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và cùng đề xuất các giải pháp nhằm phát huy các yếu tố tích cực, cơ hội để phát triển giáo dục đại học trong bối cảnh mới.