Phát triển bền vững vùng nguyên liệu tre

NDO - Ngày 4/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Vai trò của tre nguyên liệu đối với sự phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm tre Việt Nam”.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các tham luận, ý kiến của các nhà quản lý, doanh nghiệp, giới chuyên môn tập trung đánh giá về xu hướng sử dụng và tiềm năng cho ngành tre Việt Nam, thực trạng và bài học quản lý bền vững theo chuỗi, liên kết doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, chế biến tre, tiềm năng sản xuất và xuất khẩu sản phẩm tre của Việt Nam hiện tại và thời gian tới…

Nguyên liệu tre hiện đang chiếm hơn 30% giá trị kinh tế trong nhóm cây lâm sản ngoài gỗ. Với vai trò nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và lao động trong các làng nghề mây tre đan, tre nguyên liệu đang mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cộng đồng xã hội. Tre góp phần tạo sinh kế cho người dân và kinh tế quốc dân, hấp thụ các-bon và chống biến đổi khí hậu, sử dụng nguyên liệu thay cho gỗ tự nhiên và hợp chất hóa học, phát triển sinh thái và cảnh quan kiến trúc, lưu giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, hiện nay, tre đang cung cấp nguyên liệu cho hơn 600 làng nghề mây, tre đan trên toàn quốc. Trong giai đoạn hiện nay, rừng tự nhiên bị cấm khai thác, rừng trồng sinh trưởng chậm thì các sản phẩm từ tre là một giải pháp tốt thay thế các sản phẩm sản xuất từ gỗ. Nước ta có khoảng 30 chi và 216 loài tre, một số loài hiện đang mang lại giá trị kinh tế cao như luồng, lung, trúc sào, lồ ô, nứa, vầu, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai… Cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu ha tre, phân bố đều khắp cả nước, với trữ lượng khai thác hằng năm từ 500 đến 600 triệu cây, tương đương 2,5 đến 3 triệu tấn tre.

Các sản phẩm từ nguyên liệu tre đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Với tổng giá trị xuất khẩu đạt từ 300 đến 400 triệu USD/năm, các sản phẩm: đồ gia dụng, ván ép, mành, chiếu, tre đan, giấy, bàn ghế… làm từ tre đã có mặt tại thị trường nhiều nước và khu vực trên thế giới (EU, Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Ấn Độ…).

Mặc dù có nhiều lợi ích kinh tế, nhưng hiện nay ngành tre đang gặp rất nhiều khó khăn để phát triển bền vững. Hiện có rất ít nguồn giống tre tốt và tre đang có dấu hiệu suy thoái; diện tích bị thu hẹp dần, trình độ canh tác tre còn manh mún, quy mô thấp, công nghệ chế biến lạc hậu. Bên cạnh đó, sản phẩm tre hiện chưa đa dạng, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm còn yếu, thông tin thị trường còn thiếu; trong khi các chính sách hỗ trợ và phát triển còn nhiều bất cập, vốn đầu tư chưa nhiều, sản phẩm lưu thông, tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là sản phẩm thô…

Do đó, cần có định hướng mang tính chiến lược cho ngành tre trong thời gian tới. Cần bảo tồn giá trị văn hóa của cây tre gắn với việc đẩy mạnh giá trị kinh tế của các sản phẩm làm từ tre; đa dạng hóa các sản phẩm, thay thế dần những sản phẩm được làm từ gỗ; xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, có chứng chỉ quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Để ngành tre sản xuất, chế biến và kinh doanh ổn định, bền vững cần sớm nghiên cứu cải tạo giống tre và áp dụng các phương pháp trồng, chế biến theo công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, quy hoạch hiệu quả các vùng trồng, liên kết vùng nguyên liệu với các làng nghề và thị trường tiêu thụ. Các doanh nghiệp và người dân mong muốn nhà nước có chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ… phù hợp để hỗ trợ xây dựng liên kết theo chuỗi, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm tre ra thị trường quốc tế…