Phát triển bền vững cây mắc ca

NDO -

Đến nay, cả nước đã có 29 tỉnh trồng cây mắc ca, với tổng diện tích gần 19.000 ha, tập trung chủ yếu tại hai vùng Tây Nguyên và Tây Bắc, trong đó có khoảng 30% diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng ước đạt hơn 8.800 tấn/năm…

Phát triển bền vững cây mắc ca

Theo Hiệp hội mắc ca Việt Nam, sản phẩm mắc ca sấy khô xuất khẩu hằng năm của cả nước vào khoảng hơn 2.400 tấn, đến các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp.

Tại khu vực Tây Nguyên diện tích trồng và năng suất thu hoạch mắc ca hằng năm khá ổn định, nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ nghề trồng loại cây này. Còn tại các tỉnh Tây Bắc, mặc dù phát triển sau, nhưng một số địa phương cũng đã có những vùng cây trồng mắc ca phát triển rất hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương

Qua khảo sát, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình hiện có tới hơn 2,7 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó 1,7 triệu ha đất có rừng và còn khoảng một triệu ha đất chưa có rừng hoặc rừng nghèo kiệt. Thực hiện mục tiêu kép trồng mắc ca tập trung xen lẫn với cây rừng, vừa phát triển kinh tế, vừa hưởng ứng kế hoạch trồng một tỷ cây xanh của Chính phủ, các tỉnh Tây Bắc đang tích cực triển khai phát triển cây trồng mắc ca theo quy hoạch, định hướng phù hợp.

Tỉnh Sơn La đề nghị cấp có thẩm quyền duyệt quy hoạch 10.000 ha, tỉnh Lai Châu đề nghị duyệt 10.000 ha và bổ sung các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè vào vùng quy hoạch thích hợp trồng cây mắc ca. Riêng tỉnh Điện Biên, hiện đã phê duyệt và trình phê duyệt 30.478 ha; đang khảo sát và xin khảo sát 90.000 ha đất quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất và ngoài quy hoạch để phát triển cây trồng mắc ca theo định hướng đến năm 2030.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định, mắc ca là cây lâm nghiệp, đồng thời là cây đa mục đích, có tiềm năng sinh trưởng tốt, hiệu quả kinh tế, xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, có thể phát triển tập trung quy mô hàng hóa lớn.

Ngày 29/9/2020, kết luận “Hội nghị về kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua, định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới”, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành hữu quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học đầu tư, nghiên cứu, phát triển cây mắc ca theo hướng hiệu quả, bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Hiệp hội mắc ca Việt Nam và cơ quan liên quan xây dựng “Chiến lược phát triển bền vững cây mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Ngày 30/4//2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2868/VPCP-NN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, đồng ý đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng “Đề án phát triển bền vững cây mắc ca đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” thay việc xây dựng “Chiến lược phát triển bền vững cây mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trình cấp có thẩm quyền ban hành trong quý III năm 2021.

Theo đó, phát triển diện tích trồng mắc ca của cả nước đến năm 2030 là 100.000 ha và đạt 250.000 ha vào năm 2050; năng suất bình quân đạt hơn 3,6 tấn hạt tươi/ha đối với trồng thuần và 2,5 tấn hạt tươi/ha đối với trồng xen canh; đến năm 2030 sản phẩm mắc ca đạt giá trị 725 triệu USD, xuất khẩu đạt hơn 500 triệu USD và đến năm 2050 đạt giá trị 2,5 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, việc định hướng và đề ra các giải pháp phát triển bền vững mắc ca trong thời gian tới là rất cần thiết. Thông qua đó, đưa mắc ca trở thành một trong những cây trồng quan trọng, đa mục đích, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là địa bàn vùng miền núi, vùng biên giới; đưa nước ta trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm mắc ca…