Cùng dự buổi làm việc, có đồng chí Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; đại diện Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị Ban Kinh tế Trung ương và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Thanh cho biết, từ năm 2015, Đảng ủy tập đoàn đã nghiêm túc quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết trong toàn Tập đoàn, cũng như triển khai chương trình hành động của Đảng ủy Tập đoàn đến các Cấp ủy trực thuộc. Quá trình triển khai tổ chức thực hiện, Tập đoàn luôn gắn công tác xây dựng với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, xác định các mục tiêu, các định hướng phát triển trong từng giai đoạn.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hiện là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm 75%, là đơn vị lớn nhất ở khâu hạ nguồn phân phối xăng dầu, giữ vai trò chủ đạo trong bình ổn thị trường xăng dầu, chiếm thị phần khoảng 45% tổng nhu cầu xăng dầu cả nước. Từ khi thành lập đến nay, trong mọi hoàn cảnh, Petrolimex luôn là doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc nhất chỉ đạo của Chính phủ trong việc cung ứng xăng dầu để đảm bảo an ninh quốc phòng, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân cả nước và cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tập trung thực hiện phát triển doanh nghiệp theo đúng định hướng của Đảng, Chính phủ về cổ phần hóa. Trong định hướng chiến lược của mình, Tập đoàn đang hướng tới là Tập đoàn số 1 tại Việt Nam về kinh doanh sản phẩm năng lượng sạch, thân thiện với môi trường vào năm 2030; giữ vững vị thế là một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam đứng đầu về kinh doanh xăng dầu hạ nguồn.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành liên quan đã thảo luận, trao đổi tập trung vào những nội dung: Thực trạng tình hình hoạt động, vai trò chủ đạo của Tập đoàn trong thị trường xăng dầu; cơ chế chính sách để tăng cường thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước vào phát triển ngành Dầu khí; làm rõ những tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân của thực trạng, cũng như đề xuất một số giải pháp trọng tâm liên quan. Nhiều ý kiến tại hội nghị đồng tình cao việc đề xuất Bộ Chính trị ban hành chủ trương, định hướng chiến lược mới cho phát triển ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nói riêng.
Quang cảnh hội nghị. |
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh,trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển ngành Dầu khí. Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi, xuất hiện nhiều xu thế mới, ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp đến chiến lược phát triển ngành dầu khí của Việt Nam, vì vậy cần thiết phải có sự đánh giá, phân tích điều kiện thực tiễn hiện nay, một số thuận lợi, cơ hội, nhất là những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để tiếp tục phát triển ngành dầu khí trong tình hình mới.
Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các ban, bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW để trình Bộ Chính trị trong Quý II năm 2023. Để bảo đảm tiến độ, Tổ Biên tập nghiên cứu, lựa chọn nội dung phù hợp từ các ý kiến phát biểu tại hội nghị, nhất là những kiến nghị và đề xuất của Tập đoàn để đưa vào Đề án; đồng thời phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời các vấn đề để Tập đoàn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, bình ổn thị trường xăng dầu, sản phẩm hóa dầu.