Bảo đảm nguồn cung xăng dầu, phục vụ tối đa nhu cầu tiêu dùng

NDO - Lãnh đạo Petrolimex khẳng định, toàn bộ cửa hàng xăng dầu Petrolimex vẫn mở bán bình thường, bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân cả nước. Riêng trên địa bàn Hà Nội, Petrolimex thực hiện việc bán hàng 24/24 đến hết ngày 13/11.
0:00 / 0:00
0:00
Petrolimex chủ động bảo đảm nguồn cung, đáp ứng tối đa nhu cầu mua xăng dầu của người dân.
Petrolimex chủ động bảo đảm nguồn cung, đáp ứng tối đa nhu cầu mua xăng dầu của người dân.

Trước tình trạng tại khu vực Hà Nội, những ngày gần đây, hàng loạt các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động khiến lượng khách hàng đổ dồn về mua xăng dầu tại các cửa hàng trực thuộc hệ thống của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tạo nên cảnh xếp hàng dài, đợi đến lượt mua hàng. Liên quan tới vấn đề này, Lãnh đạo Petrolimex khẳng định, toàn bộ cửa hàng xăng dầu Petrolimex vẫn mở bán bình thường, bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân cả nước.

Riêng trên địa bàn Hà Nội, Petrolimex thực hiện việc bán hàng 24/24 đến hết ngày 13/11.

Để bảo đảm nguồn cung, phục vụ tối đa nhu cầu tiêu dùng, tối 8/11, lãnh đạo Petrolimex đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại hai cửa hàng kinh doanh xăng dầu trực thuộc tại cửa hàng Petrolimex số 1 phố Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) và cửa hàng Petrolimex số 82 (địa chỉ dốc đê Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho thấy, các cửa hàng hoạt động bình thường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Giám đốc Xí nghiệp bán lẻ Xăng dầu Hà Nội (đơn vị trực thuộc Công ty Xăng dầu khu vực 1 - Petrolimex 1) Đỗ Hoàng Hà cho biết, thời gian qua, thị trường xăng dầu biến động mạnh, một số cây xăng tư nhân khan hiếm cục bộ nên lượng khách hàng đổ dồn về các cây xăng của Petrolimex. Cụ thể, nếu như sản lượng bình quân mỗi ngày trong chín tháng đầu năm, xí nghiệp cung ứng ra thị trường đạt 1.240m3 thì tháng 10 đã tăng lên 1.520 m3/ngày (tăng so với bình quân ngày của 9 tháng là 22%). Những ngày đầu tháng 11, xí nghiệp đang bán ra 1.726 m3/ngày, tăng gần 40% so với bình quân ngày của tháng 9.

Với sự tăng đột biến như vậy, trong khi nhân lực có hạn nên tất cả cán bộ nhân viên của đơn vị đều phải nỗ lực thêm rất nhiều. Cụ thể, nếu như trong 9 tháng qua, năng suất lao động của mỗi người đạt 52 m3/người/tháng thì sang tháng 10, mỗi người tăng lên 63m3 và 7 ngày đầu tháng 11 đang phục vụ 70m3/người/tháng. Với sản lượng bán hàng như hiện nay, cán bộ, người lao động tại các cửa hàng không có thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, quán triệt tinh thần của Tập đoàn, công ty nên cán bộ, người lao động của đơn vị sẽ nỗ lực hết sức để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân.

Chia sẻ về vấn đề trên, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm khẳng định, Tập đoàn đã và đang tăng cường nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn cung; bảo đảm an ninh năng lượng là vấn đề tiên quyết được đặt ra hiện nay nhằm bình ổn thị trường và giảm áp lực căng thẳng hiện nay.

Về tổng nguồn, Tập đoàn hoàn toàn kiểm soát được. Tuy nhiên, có vấn đề nơi nọ, nơi kia thiếu hụt là do việc điều phối của thị trường, nếu như không vì yếu tố tâm lý thì mức độ khan hiếm sẽ ít đi. Mọi người khi đến cây xăng đều muốn đổ thật đầy, rồi thời gian mua hàng lại dồn về một thời điểm nhất định đã dẫn đến tình trạng quá tải.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex

Thông điệp mà Petrolimex đưa ra là người dân hãy yên tâm về nguồn cung xăng dầu được bảo đảm. “Về tổng nguồn, Tập đoàn hoàn toàn kiểm soát được. Tuy nhiên, có vấn đề nơi nọ, nơi kia thiếu hụt là do việc điều phối của thị trường, nếu như không vì yếu tố tâm lý thì mức độ khan hiếm sẽ ít đi. Đơn cử, tâm lý mọi người khi đến cây xăng đều muốn đổ thật đầy, rồi thời gian mua hàng lại dồn về một thời điểm nhất định đã dẫn đến tình trạng quá tải. Vì vậy, người dân cần cân nhắc, lựa chọn khung thời gian hợp lý, tránh đổ dồn vào thời kỳ cao điểm để mua hàng, tránh những bức xúc có thể xảy ra”, ông Trần Ngọc Năm nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm, trong điều kiện nguồn hàng có diễn biến phức tạp, xác định là doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn xác định, ngoài vấn đề doanh nghiệp, Petrolimex đã đặt mục tiêu an ninh năng lượng lên hàng đầu. Do vậy, Tập đoàn tìm giải pháp đưa hàng về nhanh nhất, đủ số lượng xăng, dầu. “Trong tháng 11, có thể là lần đầu tiên trong lịch sử, Petrolimex quyết định nhập mua gần 1 triệu m3 xăng, dầu (cả nước nhu cầu khoảng 20-22 triệu m3/năm). Đây là tỷ lệ rất cao. Mặt khác, sau khi Bộ Công thương phân giao hạn ngạch tổng nguồn tối thiểu của quý IV, Tập đoàn đã tổ chức ngay để mua hàng. Đến nay đã chốt hết các đơn hàng đối với các nhà cung cấp cho hết tháng 12. Lượng đưa về đã gấp 1,4 lần so với tổng nguồn tối thiểu được phân giao. Hiện nay, đơn vị đang tổ chức mua hàng cho tháng 1/2023. Đây là tháng Tết, nhu cầu đi lại cao nên quyết định của Tập đoàn cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân”, ông Trần Ngọc Năm khẳng định.

"Trong tháng 11, có thể là lần đầu tiên trong lịch sử, Petrolimex quyết định nhập mua gần 1 triệu m3 xăng, dầu (cả nước nhu cầu khoảng 20-22 triệu m3/năm). Đây là tỷ lệ rất cao. Đến nay đã chốt hết các đơn hàng đối với các nhà cung cấp cho hết tháng 12. Lượng đưa về đã gấp 1,4 lần so với tổng nguồn tối thiểu được phân giao".

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex

Lãnh đạo đơn vị cung ứng xăng dầu cũng đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong thời gian qua khi kịp thời giải quyết vấn đề xe chở xăng dầu vào nội đô. Bởi do lịch sử để lại, các cửa hàng xăng dầu được xây dựng từ trước khi nhu cầu thấp nên các bể chỉ có sức chứa 10-15m3 và khi sức mua vượt quá sức chứa đã tạo áp lực lên nguồn cung, dẫn đến tình trạng khan hiếm tạm thời tại một số cửa hàng. Do vậy, quyết định của Hà Nội, Sở Giao thông vận tải thành phố là rất kịp thời. Với sự hỗ trợ của thành phố, Tập đoàn đã và đang quyết tâm bảo đảm nguồn cung cho thị trường Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Lãnh đạo Petrolimex cũng cho biết, trong quý III và đầu quý IV, chứng kiến thị trường dầu mỏ thế giới nói chung và hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước nói riêng có nhiều biến động bất thường. Giá dầu thế giới tăng giảm với biên độ lớn, chi phí và tỷ giá ngoại tệ tăng dẫn tới một số thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng xăng dầu xã hội ngừng hoặc hạn chế bán hàng đã tạo áp lực lớn do nhu cầu toàn xã hội. Với vai trò là doanh nghiệp Nhà nước luôn tuân thủ đúng chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, đặt ưu tiên hàng đầu là bảo đảm nguồn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đáp ứng kịp thời cho nền kinh tế và an ninh năng lượng. Petrolimex duy trì việc bán hàng bình thường tại 2.700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và cấp nguồn cho hệ thống cửa hàng thương nhân nhượng quyền theo tiến độ và số lượng đã ký kết từ trước.

Thời gian tới, Petrolimex sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, kiểm soát chi phí, hướng tới đạt kết quả tối ưu trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Petrolimex cũng mong muốn các cơ quan liên quan đưa ra các giải pháp lâu dài để các doanh nghiệp khác sớm tổ chức kinh doanh bình thường trở lại.