Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc

Giám sát, phản biện xã hội là một trong các hoạt động cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Hoạt động này thể hiện rõ vai trò của Mặt trận trong thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội sôi động của cả nước thì chức năng này càng cần được thực hiện xuyên suốt và hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương và các chuyên gia giám sát tình hình đầu tư công đối với các dự án hạ tầng trọng điểm của thành phố.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương và các chuyên gia giám sát tình hình đầu tư công đối với các dự án hạ tầng trọng điểm của thành phố.

Bài 1: Vì lợi ích người dân thành phố

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp của Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội thông qua nhiều kênh như: Thành lập tổ, đoàn giám sát; giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng; phản biện trực tiếp các chủ đề, lĩnh vực “nóng” của thành phố.

Thông qua những buổi làm việc đó, nhiều vấn đề phức tạp, hạn chế cần khắc phục của chính quyền, cơ quan, đơn vị đã kịp thời được sửa đổi nhằm mang lại hiệu quả cao hơn khi triển khai, áp dụng vào thực tế.

Giám sát, phản biện từ phản ánh của người dân

Hơn một năm trước, nhiều người dân lắc đầu ngao ngán khi ngay tại các vị trí công cộng của Khu phố 1 (Phường 24, quận Bình Thạnh) phát sinh một số “điểm đen” về rác thải. Nhận thấy điều đó, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc phường đã xin ý kiến Đảng ủy phường về triển khai kế hoạch giám sát, kiểm tra.

Đoàn giám sát gồm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường, đại diện Ủy ban Kiểm tra đảng ủy, Thường trực Khối dân vận phường, lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội phường cùng đi thực tế tại các điểm người dân phản ánh về ô nhiễm. Chỉ sau hai tuần, Chi ủy Khu phố 1 đã “hồi âm” với hàng loạt giải pháp xóa các điểm về rác tồn đọng tại hai hẻm 341 và 405 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; Chi bộ Khu phố 1 còn đề xuất nhiều giải pháp khác để tăng mảng xanh, giữ vệ sinh môi trường trên địa bàn khu phố;…

Ở quy mô thành phố, Mặt trận Tổ quốc cũng thể hiện rõ chức năng giám sát đối với các vấn đề, công tác lớn của thành phố. Đơn cử, năm 2022, sau đại dịch Covid-19, thành phố thực hiện chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Tại các buổi giám sát chuyên đề, các đoàn kịp thời ghi nhận những phản ánh, khó khăn, vướng mắc như: Đối với các sở, ngành thành phố cần sớm triển khai việc định giá trong lĩnh vực bất động sản, tránh chênh lệch quá nhiều gây thất thu thuế, giá trị bất động sản; thành phố cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi sau những khó khăn do dịch Covid-19.

Mới đây nhất, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Trần Kim Yến cùng đại diện các sở, ngành, địa phương và các chuyên gia đã có đợt tiến hành khảo sát thực địa, giám sát về công tác giải ngân vốn đầu tư công dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ và dự án Cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực Kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ giai đoạn 2.

Tại công trình dự án, Trưởng đoàn giám sát Trần Kim Yến và các thành viên đã đặt ra một số vấn đề liên quan đến tiến độ thực hiện; những khó khăn trong phối hợp giữa các sở, ngành thành phố. Theo bà Trần Kim Yến, các đề xuất, kiến nghị cũng như thực trạng ghi nhận được tại các dự án sẽ là cơ sở để Mặt trận Tổ quốc thành phố báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy có hướng tháo gỡ, giải quyết những vấn đề phát sinh, qua đó đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công của thành phố.

Tầm quan trọng của giám sát, phản biện xã hội

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Nguyễn Thành Trung cho biết: Thời gian qua, công tác giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội luôn được Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Đặc biệt, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thông qua Đề án số 06-ĐA/TU về “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030”, qua đó ngày 20/8/2021, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về lãnh đạo thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU. Đây là văn bản quan trọng, là cơ chế để hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ thành phố đến cơ sở thực hiện công tác giám sát, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật, được quy định và ghi nhận tại các văn bản của Đảng như: Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định các nội dung về hoạt động giám sát tại Chương V.

Có thể thấy, qua nhiều năm, hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc thành phố và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp luôn được chú trọng, nghiêm túc thực hiện, qua đó đạt được kết quả khá quan trọng. Thông qua hoạt động này, nhân dân thực hiện quyền làm chủ, tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước các cơ quan hành chính trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng hoàn thiện, gần gũi với cuộc sống, đi vào thực tiễn; phục vụ nhân dân ngày càng hiệu quả hơn.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Trần Kim Yến cho biết: Qua hoạt động giám sát sẽ phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém cũng như ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước để kiến nghị điều chỉnh, thay đổi phù hợp với tình hình thực tế. Hoạt động này cũng sẽ giúp hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền hiệu quả hơn, nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của chính quyền thành phố và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của thành phố xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.

(Còn nữa)