Phát huy vai trò của các tầng lớp phụ nữ tham gia vào quá trình chuyển đổi số

NDO - Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mong muốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố, đơn vị sẽ tập trung nghiên cứu để có nhiều phương pháp, cách thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp tình hình thực tiễn, nhu cầu, năng lực, nhận thức của cán bộ, hội viên.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII.

Chiều 5/1, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ 8, khóa XIII diễn ra tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị đã tiến hành quy trình kiện toàn Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2022-2027. Đồng thời, tiến hành bầu bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XIII.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2022-2027.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức phát động Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt Hội” và “Sáng tác ca khúc ca ngợi người phụ nữ, người mẹ Việt Nam”.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào phụ nữ năm 2024, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ phát động chủ đề công tác năm 2024 “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội” và phát động hai cuộc thi.

"Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội mong muốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố, đơn vị sẽ từng bước thực hiện chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động Hội; nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ Hội các cấp; tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò trung tâm và sự tham gia tích cực của các tầng lớp phụ nữ tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia", Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh.

Phát huy vai trò của các tầng lớp phụ nữ tham gia vào quá trình chuyển đổi số ảnh 1

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại lễ phát động.

Theo đó, các sản phẩm/giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong phạm vi cuộc thi là việc ứng dụng các phần mềm, công cụ kỹ thuật số, nền tảng số… để thiết kế các nội dung, hình thức tổ chức sinh hoạt tại chi hội, tổ phụ nữ theo hình thức sinh hoạt chuyên đề, với các chủ đề sinh hoạt thuộc nhiệm vụ công tác Hội (phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và pháp luật, nhiệm vụ chính trị của địa phương; triển khai phong trào thi đua, cuộc vận động, các hoạt động giáo dục truyền thống; các giải pháp giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em...)

Sản phẩm dự thi có thể ứng dụng phần mềm sẵn có (word, excel, powerpoint...); ứng dụng nền tảng số (Facebook, Zalo, Tiktok...); hoặc phần mềm, ứng dụng mới thiết kế (trò chơi...).

Đối tượng tham dự là cán bộ Hội, hội viên, kể cả hội viên danh dự của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Cuộc thi được diễn ra theo cách thức lựa chọn ở hai cấp: cấp tỉnh, thành, đơn vị và toàn quốc.

Cấp tỉnh, thành, đơn vị, tùy tình hình thực tế để triển khai và sẽ tổ chức đánh giá, lựa chọn từ ba đến năm sản phẩm tốt nhất gửi về ban tổ chức cuộc thi toàn quốc trước ngày 15/4. Cấp toàn quốc sẽ chấm sơ loại và lựa chọn sản phẩm dự thi phù hợp để đưa lên bình chọn trên Fanpage của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và vào vòng chấm tiếp theo.

Dịp này, Trung ương Hội Liên hiệp Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức phát động cuộc thi sáng tác ca khúc ca ngợi người phụ nữ, người mẹ Việt Nam.

Cuộc thi nhằm tìm kiếm những sáng tác mới theo phong cách âm nhạc dân gian, nhạc trẻ, nhạc trữ tình, khuyến khích các tác phẩm mới thuộc dòng nhạc trẻ, hiện đại, tiếp cận giới trẻ.

Nội dung của những tác phẩm tập trung ca ngợi những tình cảm của người phụ nữ, người Mẹ Việt Nam dành cho gia đình, cho quê hương, đất nước; ca ngợi những phẩm chất truyền thống (anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang), phẩm chất thời đại mới (tự tin, tự trọng, có tri thức, có sức khoẻ, có đạo đức, có trách nhiệm); tình yêu thương, lòng nhân ái, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước.

Đặc biệt, các tác phẩm dự thi ca ngợi những phẩm chất hiện đại của người phụ nữ, người mẹ Việt Nam, đầy bản lĩnh ở các lĩnh vực của cuộc sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng, xã hội, đất nước; năng động, nhạy bén với cái mới nhưng vẫn giữ gìn được nét truyền thống, làm tốt thiên chức của người mẹ trong bối cảnh mới.

Đồng thời, ca ngợi, tôn vinh những người mẹ tham gia chương trình "Mẹ đỡ đầu" với lòng bao dung, sự sẻ chia, tinh thần trách nhiệm đối với các vấn đề xã hội trong thời kỳ hậu Covid-19 đã nhận đỡ đầu con mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.

Đối tượng dự thi gồm các nhạc sĩ chuyên và không chuyên là người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở trong và ngoài nước; không giới hạn về độ tuổi, nghề nghiệp, là tác giả của các tác phẩm âm nhạc phù hợp với tiêu chí của cuộc thi.

Cá nhân tác giả chịu trách nhiệm bảo đảm tác phẩm không vi phạm bản quyền tác giả, tác phẩm. Đặc biệt, khuyến khích các tác giả trẻ, sinh viên các trường âm nhạc nghệ thuật, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Cuộc thi diễn ra trong vòng bảy tháng, thời gian nhận bài dự thi bắt đầu từ ngày 5/1 đến 31/7/2024. Trong thời gian này, ban tổ chức sẽ có nhiều hoạt động phục vụ cho việc sáng tác của các nhạc sĩ như: tổ chức trại sáng tác, điền dã sáng tác, gặp gỡ các nhân vật phụ nữ điển hình tại một số địa phương, tổ chức quảng bá, giới thiệu các tác phẩm dự thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội phục vụ việc bình chọn của tác phẩm, quảng bá giới thiệu tác phẩm đạt giải chính thức tới cộng đồng…