Phát huy vai trò chính quyền địa phương trong triển khai cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn

Xác định rõ tầm quan trọng của dự án, liên danh nhà thầu đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn đã và đang tập trung huy động nguồn lực, máy móc, thiết bị, nhân sự để tổ chức thi công ba ca, bốn kíp. Tuy nhiên, việc triển khai thi công dự án vẫn gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà thầu triển khai máy móc, phương tiện bạt núi, san lấp mặt bằng mở tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.
Các nhà thầu triển khai máy móc, phương tiện bạt núi, san lấp mặt bằng mở tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.

Ngày 1/1/2023, Bộ Giao thông vận tải khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025, dự kiến hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Ðây là dự án thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân về việc thực hiện thành công một trong ba đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng đề ra là đến năm 2025, cả nước ta có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc.

Ðể hoàn thành mục tiêu lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng. Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung cao giải phóng mặt bằng, đến quý II/2023 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng.

Ðoạn cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có chiều dài hơn 88km đi qua hai tỉnh Quảng Ngãi (60,3km) và Bình Ðịnh (27,7km). Ðến cuối tháng 4/2023, nhà thầu đã được bàn giao khoảng 71km mặt bằng, đạt 82% tiến độ.

Tuy nhiên, mặt bằng bàn giao không liên tục, đoạn có thể tiếp cận thi công ngay chỉ được 44km, đạt 50%. Nhiều vị trí còn vướng cục bộ, nút giao đầu tuyến chưa có đường tiếp cận, nhà thầu phải thuê tạm của người dân để tập kết vật liệu thiết bị. Mặt bằng "xôi đỗ" kéo dài từ đầu tuyến đến cuối tuyến khiến việc vận chuyển, tập kết vật liệu, thiết bị gặp rất nhiều khó khăn.

Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các bên, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xác định giá và đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân.

Xác định rõ tầm quan trọng của dự án, liên danh nhà thầu đã ý thức việc sớm hoàn thành dự án là trách nhiệm đối với quốc gia, với nhân dân, thể hiện bản lĩnh, năng lực của đơn vị. Hiện nay, liên danh nhà thầu đã triển khai 34 mũi thi công với 795 nhân sự và 249 đầu máy móc thiết bị, tập trung tại các hạng mục "đường găng" như hầm số 1, số 2 và số 3, cầu Sông Vệ, cầu DT 624C, cầu An Ba và một số đoạn cần xử lý đất yếu, đường công vụ,...

Là đơn vị đứng đầu liên danh, Tập đoàn Ðèo Cả bảo đảm đúng cam kết về tiến độ, an toàn và chất lượng công trình, dù việc giảm giá 5% khi chỉ định thầu là thách thức rất lớn đối với nhà thầu khi phải bảo đảm hiệu quả dự án và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Ðại diện nhà thầu cho biết, cơ cấu dự toán một số hạng mục của dự án được phê duyệt không phù hợp thực tế, như yêu cầu tận dụng toàn bộ đá đào hầm vào thi công gói thầu. Tuy nhiên, theo tiến độ đặt ra, nhà thầu bắt buộc phải triển khai đồng thời nhiều mũi thi công cả trong và ngoài hầm chứ không thể chỉ thi công hầm trước để có vật liệu rồi mới thi công các hạng mục khác.

Dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn là công trình đi qua khu vực có địa hình phức tạp, quá trình khảo sát, thiết kế và lập hồ sơ yêu cầu được chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thực hiện trong thời gian ngắn, dẫn đến nhiều sai lệch trong bản vẽ thiết kế kỹ thuật so với thực tế thi công. Khi tiếp nhận dự án, các bên phải mất nhiều thời gian để cùng thống nhất lại phương án triển khai thi công. Ðến nay, nhà thầu đã hoàn thiện bản vẽ thiết kế thi công được 60/88km tuyến chính, 120 cống các loại, 23 hầm chui dân sinh...

Tuy nhiên, chủ đầu tư mới chỉ phê duyệt 4/88km tuyến chính, 8/77 cầu, phần khảo sát địa chất bổ sung của cả ba gói thầu vẫn chưa được Ban Quản lý dự án 2 phê duyệt. Ông Bùi Nhật Hiển, Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn (Ban Quản lý dự án 2) cho biết, đơn vị tư vấn đã tăng cường lực lượng để đẩy nhanh tiến độ thẩm định phê duyệt bản vẽ thi công. "Mặc dù chưa bảo đảm 100% nhưng hiện nay, các đơn vị tư vấn thiết kế lập bản vẽ thi công đã nỗ lực để nhằm hoàn thiện hồ sơ thiết kế trên các đoạn đã có mặt bằng, các công trình hầm, cầu cống, cố gắng để đáp ứng được tiến độ đề ra", ông Hiển nói.

Hiện nay, giá vật liệu thực tế cao hơn nhiều so với giá địa phương công bố đang gây thiệt hại lớn cho nhà thầu và lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Ðể bảo đảm tiến độ, nhà thầu phải chấp nhận mua vật liệu với giá cao hơn đơn giá quy định trong thông báo giá để triển khai thi công, nhà thầu kiến nghị cơ quan nhà nước để cập nhật giá vật liệu đúng với thực tế, hoàn thành thủ tục này trước khi bàn giao công trình. "Nhà thầu đã thể hiện trách nhiệm, chấp nhận rủi ro, chịu lỗ để đạt tiến độ thì cơ quan nhà nước cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình trong việc cập nhật giá vật liệu tại địa phương đúng với thực tế", ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Ðèo Cả nói. Chỉ khi các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu và các bên liên quan nâng cao ý thức trách nhiệm, khẩn trương giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc với phương châm "muốn thông đường thực địa, phải thông đường trách nhiệm", thì dự án cao tốc mới có thể hoàn thành và được bàn giao đưa vào sử dụng theo kế hoạch đề ra, đáp ứng hiệu quả và chất lượng.