Thành phố đã và đang nỗ lực để trở thành trung tâm văn hóa của cả nước với mức đầu tư cho văn hóa luôn được ưu tiên. Việc Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO (vào cuối năm 2019); sau đó là Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 22/2/2022) về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nâng tầm mức và tính cụ thể của chủ trương nêu trên.
Hà Nội đã bước đầu tạo được động lực căn bản cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, và bước đầu đã có sự lan tỏa tích cực sang các lĩnh vực khác.
Hà Nội có lợi thế là Thủ đô - nơi tập trung của rất nhiều trường đại học, trung tâm sáng tạo, đổi mới, tổ chức văn hóa nghệ thuật của đất nước. Với 100 trường đại học (trong đó nhiều trường liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật), nhiều sự kiện sáng tạo đã được tổ chức vài năm gần đây, như: Tuần lễ thiết kế-sáng tạo, tuần lễ thiết kế... do Ðại học RMIT, Asui, Grapevine hay nhiều tổ chức văn hóa nghệ thuật khác tổ chức... đã góp phần tích cực phát triển thương hiệu "Thành phố sáng tạo" cho Thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã tổ chức các sự kiện, hoạt động tầm cỡ nhằm huy động nguồn lực cho "Thành phố sáng tạo", như: Lễ hội thiết kế-sáng tạo Hà Nội, Festival âm nhạc Gió mùa (Monsoon), Tuần lễ phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) hay Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (Vietnam Fashion Week)... cùng các chương trình biểu diễn và các không gian sáng tạo để tạo dấu ấn đặc sắc của Thủ đô.
Bên cạnh đó, một số diễn đàn, mạng lưới sáng tạo văn hóa (mà thành viên là những người hoạt động trong ngành văn hóa nghệ thuật, kinh doanh, kỹ thuật...) được tổ chức nhằm thực hiện mục tiêu chung vì sự phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội.
Song, sự phát triển công nghiệp văn hóa, hoạt động sáng tạo đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Hà Nội vốn có một nguồn lực văn hóa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Ðó là hệ thống 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; một di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long), một di sản tư liệu thế giới (82 bia Tiến sĩ tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám), hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại được UNESCO ghi danh (Hội Gióng ở đền Phù Ðổng và đền Sóc; Kéo co ở Hội đền Trấn Vũ và Kéo mỏ ở Hội đền Vua Bà); cùng 17 di tích quốc gia đặc biệt; 18 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hơn 1.200 lễ hội...
Hà Nội có lợi thế là Thủ đô - nơi tập trung của rất nhiều trường đại học, trung tâm sáng tạo, đổi mới, tổ chức văn hóa nghệ thuật của đất nước. Với 100 trường đại học (trong đó nhiều trường liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật), nhiều sự kiện sáng tạo đã được tổ chức vài năm gần đây.
Thủ đô cũng sở hữu hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng ở mức cao nhất so với các địa phương trên cả nước, với 30 thiết chế văn hóa-thể thao cấp thành phố; 57 thiết chế văn hóa-thể thao cấp huyện; 136 trung tâm văn hóa-thể thao cấp xã... nên có nhiều lợi thế trong tổ chức các sự kiện tầm cỡ.
Rõ ràng, Hà Nội cần sớm có giải pháp huy động nguồn lực văn hóa trong phát triển thương hiệu "Thành phố sáng tạo" và nhiệm vụ này cần phải là ưu tiên hàng đầu. Tất nhiên, cần được thực hiện theo lộ trình chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế của Thủ đô - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội hàng đầu của cả nước; và đặt trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội.
Việc huy động nguồn lực nhất thiết phải gắn với quảng bá hình ảnh "Thành phố vì hòa bình", bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế. Trước tiên là phải đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà Thủ đô đang có sẵn lợi thế, tiềm năng như: Ðiện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh, thời trang, du lịch văn hóa...
Kêu gọi, khuyến khích nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa, hình thành một số tập đoàn công nghiệp văn hóa (ở các lĩnh vực: truyền thông, điện ảnh, phát thanh và truyền hình, phần mềm và các trò chơi trực tuyến).
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cần sớm lập một bộ máy quản lý, tổ chức các sự kiện để phát triển công nghiệp sáng tạo cũng như huy động nguồn lực cho "Thành phố sáng tạo".
Cũng rất cần một đơn vị chuyên trách hỗ trợ phát triển sáng tạo (cơ cấu cơ bản có thể gồm đại diện của chính quyền thành phố, các hiệp hội có liên quan như âm nhạc, điện ảnh, doanh nhân sáng tạo, bản quyền, sân khấu…) với một khoản đầu tư ban đầu nhất định. Ðơn vị này cần được giao chỉ tiêu cụ thể theo lộ trình trong việc tạo lập thị trường, thiết lập mạng lưới các tổ chức và cá nhân sáng tạo và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trên địa bàn.
Ðồng thời phải sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo; khuyến khích khai thác, phát huy các tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, văn hóa Thăng Long-Ðông Ðô-Hà Nội...
Trở thành thành viên chính thức của mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO là cơ hội rất lớn để Hà Nội phát huy tiềm năng sáng tạo, biến sáng tạo thành nguồn lực phát triển Thủ đô. Biết khai thác nguồn lực văn hóa của Thủ đô một cách khôn ngoan, bền vững thì không chỉ đóng góp tích cực cho phát triển văn hóa, mà còn cho tổng thể kinh tế-xã hội của Hà Nội.