Phát huy nhân tố cộng đồng, con người trong phát triển

Tỉnh Bắc Ninh nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, là cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Bắc Ninh-Kinh Bắc vốn là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa, tôn giáo; nơi phát tích Vương triều Lý và nhiều danh nhân tiêu biểu, lãnh đạo cách mạng, tiền bối của Ðảng, Nhà nước,làm rạng rỡ những trang sử dân tộc bằng tài năng, đức độ và lòng yêu nước...
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN
Biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN

Truyền thống văn hóa, con người Bắc Ninh là tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc phát huy truyền thống văn hóa, con người Bắc Ninh trong bối cảnh mới đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Với chủ trương, đường lối xây dựng, phát triển văn hóa và con người của Ðảng, Nhà nước, nhiều năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù, tăng cường đầu tư các nguồn lực cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế, đi vào khai thác, sử dụng, phát huy các giá trị văn hóa vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc. Tỉnh đã xây dựng, triển khai, thực hiện: Ðề án quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Từ đó, tỉnh coi trọng phát huy vai trò, sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động sự tham gia của hệ thống chính trị. Tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực gắn liền đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao... hướng vào mục tiêu tạo môi trường, hành lang phát triển cộng đồng, con người toàn diện với những phẩm chất, đức tính tiên tiến, nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa của con người Bắc Ninh.

Thực tế ghi nhận, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở Bắc Ninh gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện giảm nghèo bền vững ở các cấp có sức lan tỏa sâu rộng, huy động hàng trăm tỷ đồng góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Từ cuộc vận động trên, công tác giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền đạt được những kết quả tích cực, thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Với quá trình xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước trong toàn tỉnh, đến nay Bắc Ninh có 731/736 thôn, tổ dân phố hoàn thành. Khảo sát tại các huyện Tiên Du, Thuận Thành, Lương Tài cho thấy quy trình thống nhất: Nội dung hương ước, quy ước được thông qua tại hội nghị toàn dân có sự tham gia của Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận. Chủ tịch UBND cấp xã và Chủ tịch MTTQ xã xem xét nội dung của hương ước, quy ước bảo đảm phù hợp với pháp luật, thuần phong, mỹ tục và có sự thống nhất với HÐND, Phòng Tư pháp, Phòng Văn hóa thẩm định và trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt. Cùng với việc vận động thực hiện các chương trình, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, trên địa bàn tỉnh, việc thực hiện nghiêm các hương ước, quy ước ở từng khu dân cư đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành Nguyễn Xuân Ðương trao đổi, khi hương ước, quy ước đi vào đời sống, nhân dân tích cực lao động sản xuất, từng bước thực hiện nếp sống văn hóa mới lành mạnh, tiết kiệm.

Qua 12 năm, Bắc Ninh đã huy động được gần 112 tỷ đồng cho Quỹ khuyến học, khuyến tài. Tỉnh đã khen thưởng 2.157 học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập; hỗ trợ tôn vinh 1.061 cá nhân được phong tặng các danh hiệu quốc gia, các Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Viện sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ...

Chủ tịch MTTQ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Ðình Lợi

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo, xây dựng xã hội học tập, phát huy các nguồn lực cho công tác khuyến học, khuyến tài luôn được quan tâm, chăm lo thúc đẩy trong toàn tỉnh. Chủ tịch MTTQ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Ðình Lợi, cho biết qua 12 năm, Bắc Ninh đã huy động được gần 112 tỷ đồng cho Quỹ khuyến học, khuyến tài. Tỉnh đã khen thưởng 2.157 học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập; hỗ trợ tôn vinh 1.061 cá nhân được phong tặng các danh hiệu quốc gia, các Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Viện sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ...

Gắn liền quá trình trên, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, tổ chức chính trị-xã hội và các tầng lớp nhân dân về văn hóa được nâng lên; việc xây dựng con người trong sự nghiệp đổi mới có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến thôn, làng, khu phố được đầu tư xây dựng.

Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 với tinh thần, chủ trương, định hướng lớn được xác định, triển khai đã đánh dấu mốc mới trong sự nghiệp chấn hưng, phát triển văn hóa con người Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Ninh đã khảo sát, đánh giá và đưa ra những chủ trương, quyết sách lớn trong lĩnh vực công tác này. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra nhận định quan trọng: Nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh còn bộc lộ một số hạn chế.

Nổi bật là sự phát triển văn hóa, con người chưa có định hướng đồng bộ và mang tính dài hạn; chưa huy động được sức mạnh, nội lực của cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hóa; cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người chưa đồng bộ; việc phát triển các ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ văn hóa còn chậm; chất lượng hoạt động văn học, nghệ thuật chưa cao... Gắn liền quá trình triển khai, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Ðảng, Nhà nước về văn hóa gắn liền với tổ chức điều tra, khảo sát, các cuộc hội thảo lớn, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 71-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Chung trao đổi: Quá trình triển khai Nghị quyết, các cấp ủy đảng, chính quyền cùng hệ thống chính trị toàn tỉnh đã tập trung khởi động mạnh mẽ các nhiệm vụ, nội dung, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa.

Tỉnh điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách đặc thù về văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh với chế tài cụ thể, tạo điều kiện tốt nhất cho văn hóa phát triển; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Ðề án quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030... Các nhiệm vụ, giải pháp hướng mạnh vào mục tiêu phát triển, chấn hưng văn hóa, con người Bắc Ninh hài hòa với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị các cấp.

Phát huy nhân tố cộng đồng, con người trong phát triển ảnh 1
Đại tướng Phạm Văn Trà (thứ 5 từ trái sang) tuyên dương các cá nhân xuất sắc tại chương trình “Chắp cánh ước mơ-Bắc Ninh với khuyến học, khuyến tài”. Ảnh: Thái Sơn

Mới đây, tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ-Bắc Ninh với khuyến học, khuyến tài” để tôn vinh truyền thống hiếu học, khoa bảng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc. Với sự tham gia của Quỹ Khuyến học, khuyến tài Phạm Văn Trà, có 600 cá nhân tiêu biểu, là học sinh, sinh viên giỏi đạt giải quốc gia, quốc tế cùng các cá nhân có nhiều cống hiến cho đất nước trên các lĩnh vực như: Kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục, ngoại giao... đã được vinh danh và khen thưởng.

Bước vào năm 2023, Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ giáo viên; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học… Ðồng thời, tỉnh có chính sách đặt hàng đối với các nhà khoa học, các nghệ nhân để thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Gắn liền với quá trình trên, tỉnh hướng mạnh vào khắc phục các mặt hạn chế, bất cập, trước hết về nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người; trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa; hoàn thiện cơ chế, chính sách...