Phát huy, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để Bình Định phát triển đột phá

NDO -

Sáng 15/2, tại thành phố Quy Nhơn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và công tác trọng tâm năm 2022. Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Định.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo cuộc họp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo cuộc họp.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định, trong năm 2021, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19, tuy nhiên nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định cùng với nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, với 15/19 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 4,11%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 (tỷ lệ tăng 3,45%) và bình quân chung của cả nước (tỷ lệ tăng 2,58%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được triển khai quyết liệt. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của đại bộ phận nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định; quốc phòng-an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp từng bước được nâng lên...
 
Nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và tháo gỡ những khó khăn, tồn tại tác động tới sự phát triển của địa phương, tỉnh Bình Định đề xuất một số kiến nghị.

Trước hết, hỗ trợ phát triển đối với xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã đảo theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 13/4/2015. Nhân dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản ven bờ, kinh tế, thu nhập phụ thuộc vào thiên nhiên, môi trường; đời sống còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn cách xa đất liền và cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Để có cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh xã đảo, rất cần được xem xét, chỉ đạo giải quyết cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và người dân trên địa bàn xã Nhơn Châu được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho xã đảo; đồng thời quan tâm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng phía đông của xã, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế biển, du lịch và giữ vững quốc phòng-an ninh.

Tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho tỉnh Bình Định để nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở y tế huyện, xã nhằm đáp ứng cơ bản yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới của tuyến y tế cơ sở. Tăng hỗ trợ thuốc điều trị, trang thiết bị hồi sức cấp cứu, vật tư y tế để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, xem xét xây dựng, ban hành Đề án tổng thể về phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh miền trung giai đoạn 2022-2026 làm cơ sở để các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Ngày 24/2/2020, UBND các tỉnh Bình Định, Gia Lai và Kon Tum đã có Tờ trình đề xuất phương án đầu tư xây dựng dự án Tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. Tuyến cao tốc này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát huy các lợi thế về vị trí địa kinh tế của các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng; khi hình thành cùng với Quốc lộ 19 hiện hữu sẽ tạo thành trục Đông-Tây kết nối khu vực Tây Nguyên và các tỉnh nam Lào, đông bắc Campuchia, Thái Lan với Biển Đông thông qua cảng Quy Nhơn, tạo động lực phát triển cho hành lang kinh tế Đông-Tây… Do đó, việc sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng là rất cần thiết.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước biểu dương những thành tích của tỉnh Bình Định. Những năm gần đây, Bình Định đã phát huy các tiềm năng thế mạnh riêng có, tăng trưởng mạnh mẽ và toàn diện, đưa tỉnh nhà vào nhóm dẫn đầu khu vực. Tỉnh thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn; là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước… Tuy nhiên, tăng trưởng, phát triển của Bình Định chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, cần phải đột phá, tăng trưởng cao hơn nữa. Muốn vậy, phải tập trung mọi nguồn lực và có khát vọng phát triển của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân. 

Chủ tịch nước nêu rõ tư duy phát triển nông nghiệp cần chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tập trung xây dựng nông thôn mới. Sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Quy Nhơn-Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn của châu Á. 

Cùng với đó, cần chú ý tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, quan tâm đến những doanh nghiệp là cánh chim đầu đàn; chú ý đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; quan tâm hơn về hạ tầng thông tin, phát triển kinh tế số. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong giám sát, xây dựng Đảng và chính quyền.

Về định hướng phát triển, đồng tình với chủ trương dựa vào 5 trụ cột và 3 đột phá trong Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, Chủ tịch nước cho rằng Bình Định cần tập trung mọi nguồn lực cho đột phá mới là tập trung phát triển nhanh và bền vững các đô thị từ thành phố tỉnh lỵ Quy Nhơn đến các thị xã, thị tứ sao cho tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm, tăng nguồn thu theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương vừa ban hành.

Mặt khác, cần quan tâm phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm hài hòa giữa các vùng miền, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, tập trung đầu tư các dự án chương trình, ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Phát triển kinh tế-xã hội phải lấy người dân là trung tâm, để người dân được hưởng lợi với tinh thần phục vụ nhân dân là trên hết.

Nhân dịp năm mới Nhâm Dần 2022, Chủ tịch nước mong muốn Bình Định phát huy khí thế mới, tinh thần mới, trách nhiệm mới, giữ vững khát vọng, có ý chí cao hơn nữa, đoàn kết để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu mới, phát triển nhanh chóng và bền vững, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của nhân dân.