Phát huy giá trị thương hiệu “Thành phố Festival Hoa Đà Lạt”

NDO - Thông qua hoạt động Festival Hoa Đà Lạt, nghề trồng hoa được tôn vinh và khẳng định thương hiệu hoa Đà Lạt, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Đây cũng là dịp giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về phong cách văn hóa người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt cảnh trong đêm khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022.
Hoạt cảnh trong đêm khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022.

Ngày 23/12, Ủy ban nhân dân TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và Trường Đại học Đà Lạt, tổ chức hội thảo khoa học Phát huy giá trị thương hiệu “Thành phố Festival Hoa Đà Lạt” và phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”; với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, kinh tế; nhà khoa học và nhà quản lý ngành liên quan. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022.

Ban tổ chức đã lựa chọn 33 bài báo cáo khoa học và tham luận có giá trị khoa học và thực tiễn để đưa thông tin tại hội thảo, gồm những nội dung chính, như giá trị thương hiệu “Thành phố Festival Hoa Đà Lạt”, giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”, các nghiên cứu liên ngành về Đà Lạt-Lâm Đồng.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Đà Lạt Tôn Thiện San cho biết, Đà Lạt đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Thành phố Festival Hoa Việt Nam”. Thông qua hoạt động Festival Hoa Đà Lạt, nghề trồng hoa được tôn vinh và khẳng định thương hiệu hoa Đà Lạt, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương; đây cũng là dịp giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về phong cách văn hóa người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”, quảng bá thương hiệu du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng và các nông sản địa phương... Qua 9 kỳ tổ chức, đến nay có thể khẳng định, Festival Hoa Đà Lạt đã trở thành sự kiện văn hóa, du lịch tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế.

Phát huy giá trị thương hiệu “Thành phố Festival Hoa Đà Lạt” ảnh 1

Quang cảnh hội thảo.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Đà Lạt nhấn mạnh, Đà Lạt không chỉ đẹp về cảnh quan, môi trường và khí hậu, mà còn có bề dày văn hóa, sự kết hợp hài hòa giữa phương Đông và phương Tây với gần 130 năm hình thành và phát triển. Tất cả những điều đó đã tạo dựng cho con người Đà Lạt một phong cách văn hóa khá riêng biệt, đó là “hiền hòa, thanh lịch, mến khách”.

Với chủ đề Phát huy giá trị thương hiệu “Thành phố Festival Hoa Đà Lạt”, tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số nội dung cốt lõi liên quan mô hình du lịch thông minh trong một đô thị thông minh; về thương hiệu, hình ảnh điểm đến và marketing địa phương; những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng thương hiệu địa phương; những xu hướng du lịch hiện nay gắn với thương hiệu “Thành phố Festival Hoa” và những ý tưởng, định hướng giải pháp nhằm phát triển thương hiệu “Festival Hoa Đà Lạt”.

Chủ đề thứ hai, hội thảo tập trung phân tích, làm rõ một số nội dung liên quan vấn đề bảo tồn và phát huy phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” trong xu hướng hội nhập hiện nay; việc duy trì bản sắc địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa; những bài học kinh nghiệm và các giải pháp trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương.

Theo Tiến sĩ Lê Minh Chiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ trong một thế giới đầy biến động và cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi mỗi địa phương đều phải vươn lên tạo dựng và giữ gìn thương hiệu của riêng mình. Giá trị thương hiệu địa phương chính là những gì làm nên địa phương đó, những giá trị được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là sự xác thực và tạo ra sự khác biệt giữa các địa phương.

Hội thảo không chỉ là diễn đàn của các nhà khoa học, mà là cơ hội để chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cư dân thành phố Đà Lạt và các bên liên quan cùng chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và đóng góp ý tưởng, giải pháp cho quá trình xây dựng, giữ gìn, phát huy giá trị thương hiệu và phong cách con người của một thành phố đáng sống.