Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia đã nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng, giá trị lịch sử to lớn của chiến thắng sông Lô trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Đồng thời, đề xuất giải pháp đầu tư, tôn tạo di tích lịch sử Quốc gia - Tượng đài chiến thắng sông Lô và cải tạo, nâng cấp đường Chiến thắng sông Lô xứng tầm với giá trị to lớn của di tích này.
Theo thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, chiến thắng sông Lô có vai trò hết sức quan trọng trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947. Nó đã bẻ gãy một trong hai gọng kìm của thực dân Pháp trong cuộc tiến công lên chiến khu Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta…
Chiến thắng Khe Lau – Vang mãi bản hùng ca sông Lô
Năm tháng qua đi, song chiến thắng sông Lô mãi mãi là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam nói chung, quân dân Phú Thọ nói riêng. Di tích chiến thắng sông Lô là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Do vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị di tích Chiến thắng sông Lô cần có nghiên cứu tổng thể về di tích, xác định chính xác các điểm chính của di tích (nơi đặt pháo, trận địa nghi binh, vị trí đặt thủy lôi giả...).
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ, các cơ quan chức năng của huyện Đoan Hùng có thể nghiên cứu, xem xét tiến đến xây dựng một giải thưởng học tập mang tên "Sông Lô anh hùng" để trao cho các em có thành tích học tập xuất sắc, hoặc tôn vinh những tấm gương học sinh vượt khó, học giỏi.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là nhân dân địa phương nơi có di tích về giá trị lịch sử và sự cần thiết phải bảo vệ di tích, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền, cơ quan quản lý và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đoan Hùng Nguyễn Văn Vấn khẳng định, thông qua hội thảo tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng sông Lô trong dòng chảy lịch sử dân tộc, tôn vinh những chiến tích hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trên mảnh đất quê hương Đoan Hùng.
Đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng di tích Chiến thắng sông Lô trong dạy học Lịch sử, trong triển khai các hoạt động giáo dục địa phương và trải nghiệm của các nhà trường. Đồng thời, xây dựng điểm Tượng đài chiến thắng sông Lô trở thành điểm du lịch văn hóa cấp tỉnh.