TS Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển du lịch Việt
Không thể thiếu sản phẩm đặc trưng
Các tỉnh Đông Bắc cần có sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của mỗi địa phương và tăng cường liên kết để tạo thành sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn, tạo thương hiệu chung của toàn vùng. Cần chia thành các nhóm như: Nhóm sản phẩm du lịch về nguồn gắn với các di tích văn hóa lịch sử, cách mạng (Pác Bó, ATK Chợ Đồn, ATK Định Hóa, Tân Trào, Kim Bình…); nhóm sản phẩm du lịch gắn với công viên địa chất toàn cầu với các hoạt động du lịch nghiên cứu địa chất, sinh thái, khảo cổ, khám phá và trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa… tại 3 công viên địa chất toàn cầu là Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Non nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn; nhóm sản phẩm du lịch văn hóa dân tộc với các giá trị văn hóa dân tộc bản địa (thực hành hát then, nghi lễ nhảy lửa, phong tục tập quán dân tộc bản địa…)…
TS Vũ Văn Tuyên, Giám đốc công ty lữ hành Travelogy Việt Nam
Chuyên nghiệp để xây dựng thương hiệu
Có thể nhận thấy, những giá trị nổi bật của di sản văn hóa Việt Bắc đối với du lịch thể hiện ở các khía cạnh như: Giá trị về văn hóa, lịch sử; Giá trị về mặt giáo dục, khoa học; Giá trị về mặt tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu; Giá trị về mặt tâm linh. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển loại hình và sản phẩm du lịch cho tiểu vùng. Xây dựng thương hiệu du lịch không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho chính quyền các địa phương có di sản, mà còn tạo ra những hiệu ứng tốt về hiệu quả đầu tư và thị trường từ bên ngoài, kích thích những nội lực bên trong.
Cộng đồng dân cư tại các di sản có vai trò quan trọng góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch. Họ vừa lưu giữ, bảo vệ các giá trị của di sản, vừa tạo ra sức hút văn hóa thông qua cuộc sống, lối ứng xử, sự thân thiện, mến khách, dịch vụ lưu trú, nhà hàng, bán đồ lưu niệm, nghề thủ công...
PGS, TS Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội
Đổi mới và sáng tạo trong thiết kế sản phẩm
Việc áp dụng các phương pháp đổi mới và sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch là rất cần thiết. Như việc sử dụng các nền tảng số để quảng bá, tạo ứng dụng du lịch thông minh dành riêng cho du khách quốc tế, cung cấp thông tin chi tiết về các điểm du lịch, hướng dẫn lộ trình, thông tin về nhà hàng, khách sạn, và các hoạt động giải trí cũng như chức năng dịch thuật tức thời, giúp du khách dễ dàng giao tiếp với người dân địa phương… Để kéo dài thời gian lưu trú của du khách và tạo thêm trải nghiệm mới mẻ, cần phát triển các sản phẩm du lịch về đêm, như tour khám phá rừng và động vật hoang dã về đêm, tổ chức lễ hội ánh sáng tại các di tích lịch sử như thành nhà Mạc, đền Kỳ Cùng vào ban đêm, kết hợp với các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
NGND, GS, TS Nguyễn Văn Đính
Phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa
Tuy tăng về số lượng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực du lịch văn hóa ở nhiều địa phương vùng Đông Bắc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do trình độ còn thấp, đa số chưa được đào tạo cơ bản, chủ yếu mới qua tập huấn và bồi dưỡng ngắn hạn.
Cần có kế hoạch đào tạo phù hợp với các đối tượng khác nhau. Như trong các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch người lao động. Trong đó, quan trọng phải kể đến kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm, đàm phán, thuyết trình, sử dụng các công cụ tin học và các phương tiện kỹ thuật khác có liên quan đến du lịch/du lịch văn hóa… Phát triển chất lượng nguồn nhân lực không thể không chú ý đến ý thức kỷ luật, đạo đức, trách nhiệm trong công việc, tác phong làm việc, tinh thần hợp tác và chủ động… Bên cạnh đào tạo trí lực, cần có chương trình rèn luyện thể lực cho người lao động để họ có sức khỏe, bảo đảm được quá trình làm việc có hiệu quả.
PGS, TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch - Trường đại học Văn hóa Hà Nội
Phải tạo được mô hình sinh thái - văn hóa cộng đồng
Tránh phát triển du lịch cộng đồng tràn lan không có trọng tâm, trọng điểm, dẫn đến hiệu quả không cao. Xây dựng các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng cân đối theo cả tiêu chí cứng và tiêu chí mềm. Tiêu chí cứng là các tiêu chí để bảo đảm điều kiện cơ bản giúp các điểm xây dựng và hoạt động du lịch theo hướng cộng đồng (thiên nhiên hấp dẫn, cộng đồng đủ khả năng thực hiện, khả năng tiếp cận điểm, có nét đặc trưng riêng, có biểu diễn văn nghệ được không, bao nhiêu hộ tham gia…). Tiêu chí mềm là bảo đảm các dịch vụ bổ sung đáp ứng phục vụ đời sống du lịch của du khách như sản phẩm mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe…
Các điểm đến du lịch muốn thu hút khách cần phải giải quyết được vấn đề thỏa mãn những nhu cầu, phải bán được “ấn tượng” cho khách, đem đến cho họ những bất ngờ và chạm vào cảm xúc của họ. Phải tạo được mô hình du lịch cộng đồng (sinh thái - văn hóa cộng đồng) riêng biệt đạt được các yếu tố: Không gian, cảnh quan sinh thái - văn hóa đặc sắc.