Với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 cho thấy thành phố tiếp tục tìm kiếm những cách tiếp cận mới để khai thác thế mạnh về di sản, tập hợp đội ngũ nghệ sĩ, nhà thiết kế... xây dựng Thành phố sáng tạo.
Ngay từ khi chuẩn bị mở cửa đón khách tham quan trưng bày nghệ thuật “Sắp đặt Nước và Di sản tháp nước Hàng Đậu”, đã có hàng trăm người xếp hàng chờ đến lượt vào tham quan. Tháp nước Hàng Đậu nằm ở ngã sáu Hàng Đậu-Hàng Than-Quán Thánh-Phan Đình Phùng-Phùng Hưng-Hàng Cót, được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19 và là một kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội. Công trình gồm ba tầng, tháp nước trước đây có bể chứa dung tích tới hơn 1.200m3.
Tuy nhiên, từ lâu tháp nước này đã “ngủ quên” khi bị đóng cửa. Phó Phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy cho biết: “Trong những ngày tổ chức trưng bày nghệ thuật tại tháp nước, các tình nguyện viên phải làm việc cật lực để tiếp nhận đăng ký, hướng dẫn khách đi đúng lộ trình để không ảnh hưởng đến các tác phẩm nghệ thuật và di sản. Chúng tôi rất bất ngờ trước việc công chúng quan tâm đến di sản và công tác trưng bày nghệ thuật tại đây”.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm nay diễn ra ở nhiều địa điểm gồm: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Ga Hà Nội, vườn hoa Vạn Xuân... Nhiều quận, huyện, thị xã như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, thị xã Sơn Tây... cũng triển khai hoạt động hưởng ứng.
So với những lần tổ chức vào các năm 2021, 2022, lễ hội năm nay có quy mô lớn nhất, trải rộng trên nhiều địa điểm, có nhiều hoạt động nhất và thu hút lực lượng nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà sáng tạo lớn nhất, với hơn 200 người.
Đáng chú ý là mỗi năm Hà Nội lựa chọn một chủ đề riêng để tìm kiếm, gợi mở những giải pháp khác nhau trong khai thác, phát huy nguồn lực của Thủ đô trong xây dựng Thành phố sáng tạo.
Năm 2021, lần đầu tiên được tổ chức, lễ hội có chủ đề “Nền tảng kết nối nguồn lực văn hóa sáng tạo Hà Nội”. Tiếp đó, chủ đề của năm 2022 là “Thiết kế và công nghệ”. Hướng đi xuyên suốt là thiết kế, sáng tạo trên nền tài nguyên văn hóa, nhất là những di sản văn hóa của Hà Nội. Năm 2023, lễ hội tập trung vào hướng đi “mới mà cũ” với chủ đề “Dòng chảy”.
Vẫn là thiết kế, sáng tạo trên nền tảng di sản, nhưng thành phố hướng tới những di sản công nghiệp. Tháp nước Hàng Đậu, chuyến tàu từ Ga Hà Nội đến Ga Gia Lâm, hay không gian của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là nơi diễn ra tới 60 hoạt động văn hóa khác nhau, từ trình diễn nghệ thuật, trưng bày triển lãm cho đến các cuộc tọa đàm.
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm vốn bị người Hà Nội quên lãng nhiều năm nay, nhưng những phân xưởng cũ kỹ bỗng trở thành không gian nghệ thuật sống động. Khách tham quan không khỏi ngạc nhiên khi những nhà máy, xí nghiệp cũng mang vẻ đẹp độc đáo riêng.
Sau Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, tháp nước Hàng Đậu sẽ tạm thời đóng cửa. Những trưng bày ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sẽ được dọn đi. Nhưng đây là một gợi ý để khai thác những di sản công nghiệp độc đáo này trong tương lai - đó cũng chính là ý nghĩa của chủ đề Dòng chảy.
Đối với việc xây dựng Thành phố sáng tạo, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Phạm Thị Thanh Hường cho biết thêm: “Việc phát triển Mạng lưới các Thành phố sáng tạo đòi hỏi phải dựa trên ba trụ cột chính: Thiết kế, cộng đồng, sáng tạo, góp phần tạo điều kiện tối đa để các nhà sáng tạo trẻ dễ dàng phát huy tiềm năng, tạo nên nhiều không gian sống tốt cho người dân thành phố, qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.
Sự tham gia của hơn 200 nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà sáng tạo trong lễ hội năm nay là minh chứng sống động trong việc thu hút sự tham gia của cộng đồng. Các nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà sáng tạo thật sự đóng vai trò chủ thể của lễ hội. Bên cạnh nguồn lực văn hóa, thì nguồn lực con người chính là nguồn lực quan trọng mà Hà Nội đang tập hợp, phát huy.
Sau bốn năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, dù trải qua hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong khai thác, phát huy các nguồn lực. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh: “Sau gần bốn năm thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy thiết kế trong các chương trình phát triển văn hóa-kinh tế-xã hội, Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO khi ứng cử gia nhập mạng lưới, với việc tổ chức được nhiều hội thảo, tọa đàm quốc tế tham vấn xây dựng cơ chế chính sách phát triển Hà Nội - Thành phố sáng tạo.
Thành phố cũng hình thành mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, củng cố mạng lưới không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố, đặc biệt hằng năm đều tổ chức các Lễ hội Thiết kế sáng tạo”. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia, nhà thiết kế, nhà sáng tạo đều cho rằng, để phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa của các Thành phố sáng tạo thì cần phải có cơ chế, chính sách thuận lợi, có sự hỗ trợ của chính quyền về mặt bằng, sản xuất, quảng bá sản phẩm sáng tạo, qua đó lan tỏa tinh thần, bản sắc của Thành phố sáng tạo trong tiến trình phát triển.