Dựa vào những đặc trưng của loại hình di vật, bước đầu các nhà nghiên cứu cho rằng mái đá ngườm này là nơi tạm trú của những cư dân săn bắn và hái lượm có niên đại dự đoán cách ngày nay khoảng 5.000 năm.
Theo các nhà nghiên cứu, tại điểm nghiên cứu không tìm thấy di tồn xương, răng động vật hoặc nhóm vỏ như ốc núi, ốc suối, chỉ tìm thấy công cụ đá. Đây là điều rất khác biệt đối với những hang động văn hóa Hòa Bình. Qua đó cho thấy hoạt động chế tác công cụ đá không diễn ra tại chỗ và thời gian sử dụng tại đây không lâu dài, là loại hình di tích đặc biệt, rất hiếm gặp ở Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Bên cạnh những hiện vật thu được trong hố, chúng tôi khảo sát toàn bộ trên cao của mái đá, phát hiện các hiện vật được đưa lên mái đá rất cao so với vị trí khai quật từ 7 đến 10 m. Bao gồm các công cụ như dìu, mài. Điều đó cho thấy rằng các cư dân tiền sử ở đây có xu hướng tích trữ và gìn giữ các hiện vật của mình, có thể cho mục đích nào đó khi họ quay lại và nhớ lại những gì đã cất trữ và họ có thể tiếp tục sử dụng khi quay lại đây trong quá trình săn bắn, hái lượm.
Ông Lý Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cho biết, Bảo tàng tỉnh sẽ tiến hành các bước để lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh công nhận đây là di chỉ văn hóa người tiền sử và là di tích cấp tỉnh. Mặt bằng khai quật ở đây còn rộng nên chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp Viện Khảo cổ trong những năm tiếp theo để khai quật thêm vài lần nữa nhằm đánh giá chính xác giá trị văn hóa của di tích này.
Việc phát hiện một loại hình di tích khá mới của cư dân tiền sử tại đây có ý nghĩa quan trọng của ngành khảo cổ Việt Nam. Kết quả nghiên cứu sẽ có đóng góp rất quan trọng vào quá trình nghiên cứu văn hóa Hòa Bình ở Đông Nam Á. Thời gian tiến hành khai quật tại mái đá ngườm Nà Khậu, thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình sẽ diễn ra đến hết ngày 25/10.