Phát hiện hang đá ngầm dưới trụ cầu Quảng Hải ở Quảng Bình

Phát hiện hang đá ngầm dưới trụ cầu Quảng Hải ở Quảng Bình

Một hang đá ngầm chưa rõ quy mô vừa được phát hiện ngay dưới lòng sông Gianh, nằm ở độ sâu khoảng 50 mét kể từ đáy sông và cách mặt nước sông khoảng 60 mét.

Đó là kết luận của ngành GTVT Quảng Bình sau khi đi tìm nguyên nhân của một sự cố hy hữu vừa xảy ra hôm 4-1-2006, tại công trình xây dựng cầu Quảng Hải bắc qua sông Gianh nối quốc lộ 12A với 12 xã vùng nam huyện Quảng Trạch và huyện Tuyên Hóa.

Cầu Quảng Hải bắc qua sông Gianh, ở giữa có một cồn nổi, nên được thiết kế làm hai cầu Quảng Hải 1 và Quảng Hải 2. Cầu Quảng Hải 2 nối  bờ nam sang cồn nổi được thi công bằng công nghệ đúc đẩy do  Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông Quảng Bình khảo sát, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (Bộ GTVT) thiết kế và Công ty CTGT 473 (Tổng Công ty XDCTGT 4- Bộ GTVT) thi công. Theo ông Trần Văn Hòe, Đội trưởng thi công kể lại thì nửa đêm 3 - 1, lỗ khoan cọc nhồi số 7 (C7) của trụ cầu số 5 (T5) đã đến độ sâu “âm” 49,10 mét. Họ ngừng khoan và bắt đầu đổ bê tông. Đổ hết 20m3 đầu tiên thì cột bê tông đã lên được 15 mét. Nhưng một lúc sau kiểm tra lại thì thấy cột bê tông chỉ còn 11 mét và mỗi lúc một tụt xuống. Đến gần 2 giờ ngày 4-1, toàn bộ hệ sàn đạo và cầu công vụ cũng sụt xuống dần. Rồi cọc C6 của trụ T5 cạnh đó đã đổ bê tông hòan thành từ ba tháng trước cũng bị kéo lún sâu xuống đến 1,5 mét. Các công nhân quan sát trong lỗ khoan của cọc C7 thấy có bọt khí màu nâu bay lên cùng xú khí rất nồng nặc. Biết là cọc khoan đã đụng vào một “lỗ hổng” dưới lòng đất sâu, ông Trần Văn Hòe vội vàng cho dừng thi công và sơ tán kịp thời anh em công nhân. Cũng may, ngòai 40m3 bê tông, 30m3 dung dịch bentonite, hơn 19m ống nhồi bê tông cùng hệ sàn đạo và cầu công vụ bị hỏng thì không có thiệt hại về người.

Sau khi khảo sát, ngày 11-1, hội đồng khoa học về cầu đường ở địa phương đã đưa ra kết luận rằng cọc khoan nhồi C7 trụ T5 và một phần của trụ T5 cầu Quảng Hải 2 đã đóng trúng vòm của một cái hang đá vôi Castơ (hoang mạc đá vôi) thuộc hệ Phong Nha- Kẻ Bàng nằm ngầm sâu 50 mét dưới đáy sông Gianh. Khi tiến hành nhồi cọc bê tông có trọng lượng trên 30 tấn đã làm sập hang. Tòan bộ bê tông của cọc C7 đã chảy xuống hang và kéo theo sự lún của các cọc xung quanh.

Ngày 25-1, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý sự cố theo hướng bỏ vị trí trụ T5, thay đổi sơ đồ nhịp từ vị trí trụ T4 đến vị trí trụ T6 dài 84 mét chuyển từ hai nhịp (42+42) thành ba nhịp (28+28+28). Và tính từ phía bờ nam sông Gianh theo hướng thi công thì ngoại trừ mố M7 và trụ T6 đã được thi công bằng công nghệ khoan cọc nhồi đường kính D = 1,2m như thiết kế ban đầu, còn lại các trụ T5, T4, T3, T2 và mố M1 sẽ chuyển sang thi công theo công nghệ đóng cọc bê tông cốt thép loại 40x40cm! Theo ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc sở GTVT Quảng Bình thì công nghệ đóng cọc bê tông cốt thép loại 40x40cm cho phép chỉ đóng xuống sâu vài chục mét thôi. Lý do thay đổi này là bởi nếu cứ theo công nghệ khoan cọc nhồi, phải khoan sâu xuống “âm” 49-50 mét, ngàm vào tầng đá vôi thì lo ngại tiếp tục gặp...hang động!

Ông Nguyễn Văn Long, giám đốc sở GTVT Quảng Bình nói đấy là sự cố bất khả kháng. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cầu đường ở địa phương cho rằng nguyên nhân xảy ra sự cố có phần trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan liên quan, nhất là các đơn vị khảo sát, thiết kế. Bởi theo hồ sơ công trình, trong số 7 mố, trụ của cầu Quảng Hải 2 thì có đến ba vị trí mố, trụ không được khoan thăm dò, hay nói đúng hơn vị trí khoan thăm dò nằm cách xa vị trí đặt mố, trụ. Riêng vị trí đặt trụ T5 đúng trên vòm hang vừa xảy ra sự cố thì lỗ khoan thăm dò (ký hiệu LK 14 và LK 15) lại nằm cách đó gần 40 mét về phía nam và gần 18 mét về phía bắc. Chính vì không phát hiện ra hang ngầm trong khi khảo sát mà đã gặp sự cố khi thi công. Đồng thời, việc thay đổi thiết kế ban đầu từ thi công bằng công nghệ khoan cọc nhồi sâu xuống “âm” 49-50 mét, ngàm vào tầng đá vôi chuyển sang đóng cọc bê tông cốt thép chỉ sâu vài chục mét, “treo” vào lớp địa chất yếu bên trên sẽ có ảnh hưởng gì đến công trình về sau? Và nếu phương án đóng cọc bê tông cốt thép là khả thi, thì sao ngay từ đầu không chọn giải pháp đơn giản này?

Khẩn trương khắc phục sự cố và tìm kiếm giải pháp tối ưu để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công là việc làm trước mắt với cầu Quảng Hải, một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Bình trong năm 2006 này. Tuy nhiên, dư luận quần chúng rất quan tâm và đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Bình cần sớm chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến sự cố đáng tiếc này.