Bộ tem do họa sĩ Nguyễn Du thiết kế theo phương pháp đồ họa, chắt lọc cao thể hiện sơ đồ kênh Vĩnh Tế gắn với các địa danh liên quan và hình ảnh chân dung danh thần Thoại Ngọc Hầu (1761-1829).
Kênh Vĩnh Tế tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang gắn liền với công lao của danh thần Thoại Ngọc Hầu. Ngày 27/5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 870/QĐ-BTTTT về việc phát hành bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824-2024)”.
Bộ tem trên tưởng nhớ, khẳng định công lao và tôn vinh những đóng góp to lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu cùng nhân dân ta trong công cuộc xây dựng kênh Vĩnh Tế; góp phần quảng bá giá trị văn hóa và lịch sử của kênh Vĩnh Tế đến với du khách trong nước và quốc tế, thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch địa phương.
Bộ tem kênh Vĩnh Tế. |
Thay mặt lãnh đạo tỉnh An Giang phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh khẳng định, bộ tem trên mang ý nghĩa đánh dấu 200 năm một công trình thủy lợi quan trọng của cha ông ta được hoàn thành, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh An Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Kênh Vĩnh Tế là thành tựu thủy nông dưới triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, được khởi công xây dựng vào năm 1819 và hoàn thành vào năm 1824, do danh thần Nguyễn Văn Thoại - tức Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) chỉ huy đào kênh.
Kênh Vĩnh Tế bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, đóng vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu, giao thông vận tải, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy thương mại và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền trong khu vực.
Qua đó, cho thấy một tầm nhìn chiến lược của cha ông, vừa phát triển sản xuất, giao thương, vừa bảo vệ tuyến biên giới, xác lập chủ quyền bờ cõi.
Trải qua hơn 200 năm lịch sử, kênh Vĩnh Tế cho đến nay đã được ghi nhận là công trình tạo nên bằng sức người quý giá khẳng định bờ cõi và khẩn hoang cả vùng Tứ giác Long Xuyên làm nên vùng đất vựa lúa lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long.
Từ Châu Đốc, Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đến Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) đều dễ dàng nhận thấy nhịp sống sung túc của những đô thị, những vùng nông thôn mới trải dọc biên giới.
Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế là dịp để chúng ta ghi nhớ công ơn to lớn của các vị tiền nhân khai hoang, mở cõi, và tôn vinh kênh Vĩnh Tế - một công trình lớn mang tính lịch sử, thể hiện trí tuệ, sức lao động sáng tạo của cha ông trước đây; qua đó, khuyến khích các thế hệ trẻ bảo tồn, lưu giữ và phát huy hơn nữa những giá trị truyền thống của dân tộc.
Đồng thời sự kiện phát hành bộ tem mang ý nghĩa quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.