Văn hóa và phát triển

Nghe dòng Vĩnh Tế chuyển mình

Cách đây mấy năm, khi lần đầu phát hiện hình ảnh kênh Vĩnh Tế được khắc trên Cửu Đỉnh đặt trong kinh thành Huế, tôi sững sờ như đến một vùng đất lạ, vô tình gặp được người thân quen. Càng thú vị hơn với ý nghĩ giữa trăm ngàn con kênh nơi vùng biên Tây Nam Tổ quốc, Vua Minh Mạng lại chọn Vĩnh Tế khắc vào Cửu Đỉnh. Ngược xuôi Vĩnh Tế và lần giở sử cũ, mới thấy cái thâm thúy của các bậc tiền nhân.

Người dân thu hoạch bông súng đồng ở xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang
Người dân thu hoạch bông súng đồng ở xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang

Cái đẹp của dòng sông thường do những đường cong uốn lượn tạo nên. Vậy mà kênh Vĩnh Tế hầu như không có đường cong, trừ đoạn qua thị trấn Xuân Tô, kênh chếch nhẹ một góc chừng 20 độ về phía đông nam. Nói như vậy không có nghĩa Vĩnh Tế không đẹp, mà sứ mệnh của nó không phải là mang đến vẻ đẹp tự nhiên. Vùng đất tây nam của nước Ðại Việt xưa có đường biên giới dài dằng dặc tiếp giáp với Chân Lạp, cho nên việc đào kênh tạo phòng tuyến vững chắc cho xứ Ðàng Trong lúc bấy giờ là nhiệm vụ quan trọng, và Vĩnh Tế mang trọng trách ấy.

Nhìn từ đỉnh Ngọa Long Sơn, thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, kênh Vĩnh Tế giống như một "nét ngang" chắc nịch trong thư pháp, như một lời tuyên bố hùng hồn với ngoại bang về sự phân định rạch ròi cương vực lãnh thổ, "nhất phiến sơn hà". Cụ Nghè Trương Gia Mô từng miêu tả trong bài "Dạ phiếm Vĩnh Tế":

Ði thuyền trên kênh Vĩnh Tế

Suốt đêm ngồi dưới sương móc

Trăng sao như cùng ta ngẫm nghĩ bồi hồi

Dòng sông thẳng hơn tên bắn

Tiếng muỗi góp lại muốn to như sấm

Lúc thấy ló ra vài căn nhà

Cũng là lúc mưa gợi nỗi buồn xa xôi

Ðiều tâm tưởng nằm ở trên đường xa trước mặt

Ði đi thôi, chớ có lần chần.

Dòng kênh Vĩnh Tế bắt nguồn từ làng Vĩnh Tế xưa, nay là xã Vĩnh Tế thuộc TP Châu Ðốc, tỉnh An Giang nằm nép mình dưới chân núi Sam. Khi kênh đào xong, lưu dân vẫn chọn nơi này làm chốn định cư, tìm kế sinh nhai. Dọc kênh Vĩnh Tế, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều làng bản tương tự, như các làng: Vĩnh Bảo, Vĩnh Thông, Vĩnh Gia, Vĩnh Ðiều, Vĩnh Lạc... Từ cầu Vĩnh Ngươn - nơi kênh Vĩnh Tế khởi nguồn từ vàm Châu Ðốc - về phía tây, kênh Vĩnh Tế chạy dài thẳng đến Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang, ước chừng dài 91 km, rộng 35 m và độ sâu trung bình là 3,5 m, tùy các nơi bồi lắng. Tổng thời gian thi công đào kênh khoảng 5 năm (1819-1824), với hơn 80.000 dân công, binh công. Từ khi con kênh được hoàn tất, đường biên giới giữa Ðại Việt và Chân Lạp được phân định rõ hơn. Kênh được ví như hào nước quân sự khổng lồ, góp phần to lớn vào việc canh giữ trời Nam, ngăn chặn mọi hành vi xâm lấn lãnh thổ. Những điều này, sách Ðại Nam nhất thống chí có ghi chép lại. Thoại Ngọc Hầu thừa lệnh vua Minh Mạng phụ trách đào kênh, với sự quyết đoán đã miệt mài chỉ huy nhiều thế hệ dân phu hoàn thành công trình thủy lợi rất quan trọng đất phương nam nơi tuyến đầu vùng biên giới Tây Nam. Chính vì công đức của ông, người dân phu ngày ấy khi hoàn thành dòng kênh đã lấy tên Châu Thị Tế, người vợ cả của Thoại Ngọc Hầu đặt tên cho dòng kênh; ngôi làng khởi nguồn dòng kênh ấy cũng mang tên bà là Vĩnh Tế.

Nghe dòng Vĩnh Tế chuyển mình ảnh 1

Ghe xuồng trên dòng kênh Vĩnh Tế.

Mùa này nước lên, các đập tràn từ kênh vào đồng nước chảy cuồn cuộn. Ðây cũng là thời điểm cá từ biển hồ xuôi về sông Hậu, theo kênh Vĩnh Tế chảy lên các cánh đồng mùa nước nổi. Tôi gặp anh Nguyễn Văn Thọ, còn gọi là Út Thọ, nhà ở xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, là một người có thâm niên làm nghề hạ bạc (đánh bắt cá) vùng này đang cùng mấy người bạn chài cá ở gần đập tràn Trà Sư. Họ đều là nông dân, mùa khô làm ruộng rẫy, đến mùa nước lên thì sắm sửa câu lưới để đánh bắt cá mưu sinh. Hóa ra, con kênh Vĩnh Tế không những mang phù sa cuồn cuộn bồi đắp hằng năm cho cánh đồng rộng hàng ngàn héc-ta dọc khắp các khu vực từ Châu Ðốc - Tịnh Biên - Tri Tôn - Giang Thành - Hà Tiên, mà còn đem về nguồn cá dồi dào nuôi sống người dân. Anh Út Thọ vừa kéo một mẻ chài đầy cá, vừa hồ hởi cho biết, cánh đồng Vĩnh Tế đầu nguồn này như cái túi cá; nước tới đâu cá tới đó, tha hồ đánh bắt. Tùy theo mực nước cao thấp, người ta sẽ chọn hình thức đánh bắt, tìm các loại cá khác nhau.

Vào những ngày cá ra, kênh Vĩnh Tế và các nhánh kênh phụ như Trà Sư, Tha La, Võng Xã, T4, T5, thuyền bè đông như trảy hội. Nhìn cách đánh bắt cá của người dân nơi đây, có thể nhận ra điểm nổi bật trong tính cách con người Nam Bộ là chất phóng khoáng tài tử, lạc quan yêu đời, có phước cùng hưởng có họa cùng chia. Xuồng chài, xuồng câu lưới đậu san sát nhau, nhưng đánh bắt hoài mà không hết cá, bởi cá cứ từ ngoài đồng "trôi" ra nườm nượp. Tiếng nói cười vang lên ngày đêm không dứt. Cá đánh bắt đầy xuồng đầy ghe, ăn và bán không hết, họ thường làm mắm để dự trữ. Ðó cũng là nguyên do khiến miệt này trở thành "thủ phủ" mắm cá của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các thương hiệu mắm ở Châu Ðốc nổi tiếng khắp cả nước và một số nơi trên thế giới nhờ cách thính mắm thơm ngon, nhất là độ ngọt của cá đồng đánh bắt được trên vùng Vĩnh Tế. Ðến khu vực miếu Bà Chúa Xứ, ta sẽ bắt gặp hàng trăm sạp mắm nằm chen chúc như minh chứng cho sự phong phú của sản vật miền Tây sông nước.

Trên hành trình dòng kênh Vĩnh Tế, thị trấn Xuân Tô thuộc huyện Tịnh Biên, An Giang giống như một trạm trung chuyển. Ðó là nơi giao thương, buôn bán tấp nập vào bậc nhất của con kênh này. Hàng hóa từ Châu Ðốc, Hà Tiên chuyển vào được hội tụ tại đây. Thêm các mặt hàng từ nước bạn Cam-pu-chia càng làm cho phiên chợ biên giới Xuân Tô rộn ràng quanh năm suốt tháng. Bên cạnh hàng nông sản, thủy sản, hải sản phong phú giống bao phiên chợ nơi khác, ở đây còn xuất hiện thêm các mặt hàng "độc" như bọ rầy, bọ cạp Bảy Núi, rết núi, bánh thốt nốt... Sự phồn thịnh của thị tứ Xuân Tô khẳng định phần nào chiến lược an sinh mà hơn 200 năm trước, khi xuống lệnh đào kênh, triều Nguyễn đã hướng đến.

Kênh Vĩnh Tế không trực tiếp đổ ra cửa biển Hà Tiên mà về phía hạ nguồn hòa với sông Giang Thành (tỉnh Kiên Giang); hai dòng nước gặp nhau ở đây không dữ dội ầm ào mà nhẹ nhàng hòa quyện. Ðến ngã ba sông Giang Thành nơi giao nhau với kênh Vĩnh Tế, du khách ắt hẳn ngỡ ngàng với cảnh non nước hữu tình. Ðỉnh Bình Sơn và Tô Châu soi bóng vũng Ðông Hồ tạo ra bức tranh sơn thủy tuyệt vời. Ðó là nguồn thi hứng bất tận mà "Giang Thành dạ cổ" của Mạc Thiên Tứ được thi sĩ Ðông Hồ dịch thơ:

Gió cuốn trời cao mây lạnh tung,

Sông dài vây tỏa khí anh hùng.

Lâu thuyền dãi bóng trăng sương lạnh,

Trống mõ cầm canh sóng nước trong.

Kim giáp đã nhờ đêm chặt chẽ,

Cẩm bào cho được chốn thung dung.

Lược thao đem đáp tình minh chúa,

Nước Việt biên thùy vững núi sông.

Giờ đây, các con kênh nhân tạo được đào nối từ kênh Vĩnh Tế đến biển nhằm tháo phèn, rửa mặn cho cánh đồng Lạc Quới. Ngày thông dòng kênh T5, còn gọi là kênh Mới hay kênh Võ Văn Kiệt, nhiều người dân đến chứng kiến mà không cầm được nước mắt. Ðó là những giọt nước mắt hạnh phúc vì họ biết rằng, từ nay, vùng này sẽ khởi sắc. Rồi kênh T4, kênh T6, kênh Võng Xã tiếp tục được khơi dòng. Nước ngọt chảy đến đâu, đất trở mình đến đấy. Anh Tư Lập, một nông dân tha phương tận xứ Ðồng Tháp nghèo về khẩn hoang, phục hóa giờ sở hữu hơn năm chục công đất (hơn 5 ha); mỗi năm, trừ hết chi phí vẫn còn lời hàng trăm triệu đồng. Nhà cửa anh giờ khang trang, tiện nghi; con gái út đang học ngành thủy sản tại Trường đại học An Giang, con trai lớn giờ là kỹ sư nông nghiệp.

Đứng trên cầu Xuân Tô bắc qua kênh Vĩnh Tế, nối liền con đường biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, lòng tôi bỗng dâng lên bao cảm xúc lạ thường. Nếu không có con kênh, hẳn nơi này giờ đây vẫn là chốn bưng biền đầy cỏ cây lau lách. Những chuyến ghe xuôi ngược tấp nập chở theo bao kiếp thương hồ dọc con kênh, từng sợi khói vẽ lên trong chiều bảng lảng. Một cánh cò bay thong dong về phía núi, gợi trong lòng kẻ xa xứ bao tâm thức về một thời "mang gươm đi mở đất". Câu ca thuở nào bỗng âm vọng ngân nga: "Cánh chim tung trời, về đất Phương Nam, người xưa lưu dấu in hình thuở mang gươm".

Mải miên man với bao cung bậc cảm xúc, đến xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn thì trời tối hẳn, nhưng vào ngày mùa vụ nên nhiều hộ bà con vẫn thắp đèn sáng trưng, lúa thóc chở bằng ghe từ ruộng về đậu dưới mé kênh được người dân vác lên tấp nập. Ðêm buông dần, dòng kênh Vĩnh Tế ru tôi vào giấc ngủ bằng tiếng sóng nước xôn xao, tiếng ghe tàu xuôi ngược, tiếng cá quẫy đuôi ăn móng, cả thanh âm từ quá khứ xa xăm dồn dập vọng về...

Trong tâm thức, thấy điểm khởi đầu và kết thúc của mỗi dòng kênh thường chỉ mang tính tượng trưng. Biết đâu, những hạt phù sa ngọt ngào từ sông Hậu theo dòng Vĩnh Tế đổ vào vùng biển miền tây lại không phải kết thúc một hành trình, mà chẳng qua là bắt đầu một hành trình mới?