Cuộc thi “Sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc.
Theo quy định, các nhà viết kịch chuyên nghiệp và và không chuyên nghiệp hơn 19 tuổi là công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở trong nước hoặc nước ngoài đều có thể tham gia.
Ban tổ chức sẽ lựa chọn ra nhiều kịch bản có chất lượng, làm tiền đề hướng đến dàn dựng những vở nhạc kịch đặc sắc dành cho trẻ em, nâng cao đời sống tinh thần và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật của công chúng, góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt các tác phẩm sân khấu phục vụ thiếu niên, nhi đồng trong thời gian qua.
Cuộc thi cũng nhằm đẩy mạnh hoạt động giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho trẻ em thông qua nghệ thuật sân khấu, về những điều tốt đẹp, những suy nghĩ, hành động chân- thiện- mỹ trong quá trình hình thành nhân cách của thiếu niên, nhi đồng.
Các tác phẩm dự thi cũng hướng tới đề cao trách nhiệm của cộng đồng, gia đình, xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục, đùm bọc, yêu thương đối với các chủ nhân tương lai của đất nước.
Cuộc thi đề cao vai trò, trách nhiệm của nghệ thuật sân khấu, những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu đối với thế hệ trẻ.
Với chủ đề cuộc thi “Câu chuyện Việt Nam chạm tới thế giới”, nội dung các kịch bản sẽ tập trung khai thác những chủ đề gắn bó với đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, thể hiện được tinh thần dân tộc, tinh thần hội nhập quốc tế; sự quan tâm và trách nhiệm của cộng đồng xã hội, gia đình trong công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng; phản ánh, ca ngợi, cổ vũ, tôn vinh những suy nghĩ, hành động tốt đẹp của thiếu niên, nhi đồng trong đời sống hiện đại; ca ngợi những tấm gương tiêu biểu của thiếu niên, nhi đồng trong sự nghiệp dựng xây đất nước.
Bên cạnh đó, các tác phẩm cũng đề cập và phê phán những thói hư, tật xấu, các biểu hiện lệch chuẩn mà một bộ phận trẻ em gặp phải trong học tập, ứng xử với người thân, bạn bè, thầy cô...
Các tác phẩm kịch bản có thể được sáng tác dựa trên những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, dân gian, huyền thoại nhằm hướng cho các em có những suy nghĩ, hành động đẹp đẽ, đề cao lòng tốt, sự dũng cảm, tinh thần vị tha và tình yêu thương; khuyến khích trẻ em nuôi dưỡng những ước mơ cao đẹp, phấn đấu vì một thế giới tốt đẹp và tương lai tươi sáng.
Các tác giả gửi tác phẩm dự thi phải chịu trách nhiệm về bản quyền kịch bản tham dự. Kịch bản có hình thức thống nhất và cấu trúc hoàn chỉnh câu chuyện, trình bày trên khổ giấy A4 với số trang tối thiểu của mỗi kịch bản là 40 trang.
Ban tổ chức cuộc thi là Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru sẽ nắm quyền sản xuất độc quyền các tác phẩm đoạt giải, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ, dàn dựng, chuyển thể, khai thác kịch bản nhằm quảng bá, phân phối, phát triển, sản xuất nội dung trong nước và quốc tế cũng như thương mại hóa kịch bản.
Tác phẩm dự thi ghi rõ họ và tên tác giả, tên tác phẩm, thể loại, địa chỉ liên hệ, điện thoại liên hệ và gửi đồng thời qua hai hình thức: gửi bản mềm (chấp nhận định dạng .doc, docx và pdf) qua email: kichbanthieunhi@gmail.com và gửi bản cứng về địa chỉ: Nhà hát Tuổi trẻ - Số 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.
Thời gian gửi dự thi bắt đầu từ ngày 1/12/2023 đến ngày 30/3/2024. Dự kiến lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2024 với cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải nhất (trị giá 100 triệu đồng), một giải nhì (trị giá 30 triệu đồng/giải), một giải ba (trị giá 15 triệu đồng).
Postcard giới thiệu về cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu cho trẻ em tại Việt Nam. |
Theo Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Nguyễn Sĩ Tiến, là nhà hát quốc gia với chức năng và nhiệm vụ biểu diễn phục vụ thanh thiếu nhi cùng bề dày 45 năm hoạt động, đây là dịp để Nhà hát Tuổi trẻ mở rộng hợp tác nghệ thuật quốc tế dành cho trẻ em với Nhà hát SangsangMaru, một đơn vị sáng tạo nghệ thuật văn hóa tiêu biểu của Hàn Quốc dành cho trẻ em và gia đình. Cuộc thi là hoạt động tiếp nối thành công của những dự án giao lưu, đồng sáng tạo vừa qua giữa nghệ sĩ hai nhà hát qua một số vở nhạc kịch đặc sắc được dàn dựng theo xu hướng sáng tạo đương đại trên thế giới.
Cuộc thi cũng là bước chủ động nhằm giới thiệu tới khán giả loại hình nhạc kịch còn khá mới mẻ tại Việt Nam, trở thành nhân tố tích cực trong hành trình xây dựng nền tảng phát triển của loại hình nghệ thuật này, góp phần đưa diện mạo hoạt động nghệ thuật cho trẻ em tiếp cận với các trào lưu trình diễn đương đại trên thế giới.