Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia là giải thưởng uy tín, danh giá của ngành kiến trúc, với bề dày 27 năm, được tổ chức định kỳ 2 năm/lần trong phạm vi cả nước. Năm nay, Giải thưởng sẽ trao cho 4 thể loại công trình, tác phẩm gồm Kiến trúc công trình; Kiến trúc nội ngoại thất và Kiến trúc cảnh quan – thiết kế đô thị; Quy hoạch và Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình kiến trúc.
Ở thể loại Kiến trúc công trình, giải thưởng sẽ xét trao cho các công trình kiến trúc nhà ở (gồm nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, thương mại, nhà ở công vụ, tái định cư, xã hội, nhà ở hỗn hợp trong các khu đô thị, làng xã, ký túc xá…), kiến trúc công cộng (gồm các công trình thương mại và dịch vụ, nghỉ dưỡng, trụ sở, trường học, bệnh viện, công trình văn hóa và xã hội, kiến trúc công nghiệp, công trình đặc biệt và công trình bảo tồn và thích ứng di sản kiến trúc).
Ở thể loại Quy hoạch, giải thưởng sẽ xét trao cho các nội dung Quy hoạch đô thị; Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng liên huyện và nông thôn; Quy hoạch xây dựng các khu chức năng.
Ở nội dung Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình kiến trúc, giải thưởng xét tặng các tác phẩm nghiên cứu kiến trúc và tác phẩm lý luận, phê bình kiến trúc, tạp chí chuyên ngành kiến trúc-quy hoạch và tập hợp các bài báo theo chủ đề, các tác phẩm điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình về kiến trúc.
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nói: “Đây là giải thưởng lâu năm, có uy tín, đã mang lại ý nghĩa rất lớn. Ban tổ chức phải lựa chọn các công trình thực sự có sức lan tỏa, có giá trị, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của kiến trúc Việt Nam, để kiến trúc Việt Nam có sự khác biệt”.
Kiến trúc sư (KTS) Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, năm nay Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia có nhiều điểm mới: “Về mặt đối tượng dự giải, Ban tổ chức không phân chia tác giả là người Việt Nam hay nước ngoài như trước nữa, mà sẽ cùng nhau tranh giải, bởi vì kiến trúc Việt Nam hiện nay cũng đã tiệm cận nhiều hơn với kiến trúc nước ngoài, thêm vào đó, Việt Nam cũng có nhiều kiến trúc sư giành giải thưởng quốc tế”.
Ngoài ra, hạng mục “Bảo tồn và thích ứng di sản kiến trúc” năm nay cũng là nét mới của giải khi được đưa vào một cách chính thức, trong khi trước đây hạng mục này chưa có chỗ đứng xứng đáng, theo lời Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Các tác phẩm điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình về kiến trúc cũng là một hạng mục mới của Giải thưởng, khi KTS Phan Đăng Sơn cho biết đây là nội dung gợi mở cho giải thưởng của các năm sau.
Ban tổ chức cho biết, các công trình và tác phẩm chưa tham dự Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia nào, có ý tưởng thiết kế mới, sáng tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại, chú trọng tính bản sắc, bản địa, có ý nghĩa văn hóa, xã hội và nhân văn, sáng tạo theo tiêu chí Kiến trúc Xanh Việt Nam và các tiêu chuẩn Kiến trúc xanh thế giới đang áp dụng, có tính lan tỏa cộng đồng, góp phần định hướng kiến trúc một cách tích cực sẽ được tham dự giải.
Về cơ cấu giải thưởng, Ban tổ chức cho biết, sẽ có một Giải thưởng Lớn trị giá 50 triệu đồng, các giải Vàng (30 triệu đồng), Bạc (20 triệu đồng) và Đồng (10 triệu đồng) cho mỗi thể loại, hạng mục chuyên ngành. Ngoài ra, còn có Bằng khen “Kiến trúc sư Trẻ tiêu biểu” dành cho kiến trúc sư dưới 35 tuổi đoạt các giải nêu trên, bằng khen dành cho các đơn vị, tập thể có nhiều thành tích tại Giải thưởng, Giải thưởng “Vì sự phát triển kiến trúc” dành cho các chủ đầu tư có công trình giành giải và có đóng góp tích cực cho xây dựng các công trình theo hướng tiên tiến, bền vững, giải quyết được các vấn đề cấp thiết trong xã hội.
Các tác phẩm dự thi gửi về địa chỉ: Ban tổ chức giải thưởng Kiến trúc Quốc gia Hội Kiến trúc sư Việt Nam, 40 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội. Hạn cuối cùng gửi hồ sơ tác phẩm tham dự Giải thưởng là ngày 30/11.
Thông tin chi tiết và phiếu đăng ký tham dự Giải thưởng có tại các trang thông tin điện tử của Hội: www.tapchikientruc.com.vn và www.kienviet.net.