1/Việc đọc sách cho trẻ nhỏ ngay từ khi trẻ lọt lòng cho đến khi trẻ tự mình đọc và thậm chí sau khi trẻ biết đọc nếu trẻ vẫn có nhu cầu là cực kỳ quan trọng trong việc giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách, tiếp thu những kiến thức thường thức và có được những giây phút giải trí lành mạnh.
Đọc thì có gì là khó, nhất là những cuốn sách dành cho trẻ nhỏ vì chúng thường ngắn, ngôn từ dễ hiểu, dễ phát âm, nhiều hình minh họa và hơn hết thính giả trẻ tuổi thường dễ tính hơn người lớn. Vậy nên bất cứ ai cũng có thể hoàn thành xuất sắc việc đọc sách cho trẻ.
Nhưng trên thực tế, việc đọc sách cho trẻ không đơn giản như chúng ta nghĩ, cũng bởi lứa tuổi mà trẻ cần người lớn đọc thường là trẻ mẫu giáo và những năm đầu cấp một, đó là lứa tuổi hiếu động ưa khám phá nên rất khó để giữ chúng ngồi im một chỗ lắng nghe những câu chuyện kéo dài trong nhiều phút, thậm chí là cả tiếng đồng hồ. Do vậy muốn thu hút được sự chú ý của lứa tuổi này, việc đọc phải rất đa dạng, đa dạng trong lối đọc, đa dạng trong các phương tiện truyền tải nội dung (mà cụ thể là những cuốn sách) để có thể tạo ra sự tương tác, thu hút sự tập trung của trẻ. Nếu chỉ đọc một cách đơn giản những gì chúng ta nhìn thấy trên các trang giấy thì chỉ sau vài phút, trẻ sẽ mất tập trung và giờ đọc sẽ thất bại. Đây là tình huống diễn ra hằng ngày ngay cả với những người dày dặn kinh nghiệm trong việc đọc sách cho trẻ nhỏ. Do đó việc đọc sách cho trẻ ở lứa tuổi này đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ càng về mặt kỹ năng đọc sách cũng như chọn sách. Và việc chuẩn bị này sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu có sự đầu tư của toàn xã hội, nhất là các cơ quan văn hóa.
2/Ở Pháp nơi văn hóa đọc sách cho trẻ được phát triển rộng rãi, các hội chuyên về việc quảng bá văn hóa đọc ngày càng phát triển và có được sự ủng hộ của các cơ quan văn hóa, một trong số đó có hội “Lire et faire lire - Đọc và nghe đọc”. Hội được ra đời với sự kết hợp giữa hai mạng lưới hiệp hội quốc gia: Liên đoàn Giáo dục và Liên minh các Hiệp hội Gia đình quốc gia (UNAF), bao gồm một chủ tịch và mạng lưới các cộng tác viên cùng hàng nghìn tình nguyện viên phủ rộng trên toàn lãnh thổ nước Pháp. Ngay từ ngày đầu thành lập, hội đã nhận được sự ủng hộ của 170 nhà văn chuyên viết cho giới trẻ. Hội hoạt động với hai mục tiêu chính: mục tiêu thứ nhất là giáo dục và văn hóa phù hợp với các ưu tiên liên quan đến sự phát triển trình độ đọc và ngôn ngữ do Bộ Giáo dục Pháp quy định, tham gia các chương trình quảng bá văn học thiếu nhi cho trẻ em và khám phá di sản văn học của Pháp. Mục tiêu tiếp theo là tạo ra sự tương tác giữa các thế hệ thông qua các cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa trẻ em và người hưu trí. Do vậy các hoạt động chính của hội thường diễn ra trong không gian trường học, vào những giờ trống tiết học (sau giờ ăn trưa của trẻ, sau giờ học trên lớp và trong lúc chờ phụ huynh đến đón, vào những lễ hội truyền bá văn hóa đọc…), các tình nguyện viên sẽ thay thế các thầy cô kể chuyện cho trẻ. Theo báo cáo của hội, năm 2021 hội có tổng số 20 nghìn tình nguyện viên đã tham gia vào việc đọc ở 13 nghìn trường học với hơn 760 nghìn thính giả, một con số không hề nhỏ đối với một hội chỉ bao gồm các tình nguyện viên hoạt động miễn phí 100%.
3/Tuy nhiên, có một khó khăn mà ai cũng nhìn ra, những tình nguyện viên này đều là những người cao tuổi đã về hưu và đến từ nhiều tầng lớp xã hội cũng như ngành nghề khác nhau và do đó chưa có nhiều kinh nghiệm tương tác với trẻ cũng như việc tìm kiếm các tác phẩm văn học phù hợp với từng độ tuổi. Nếu không có sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật thì sẽ khó có thể thu hút được các thính giả nhỏ tuổi, những thính giả dễ tính nhưng khó chiều. Do vậy hằng năm, hội “Đọc và nghe đọc” phải nhờ đến các đối tác trong ngành văn hóa để giúp họ đào tạo những tình nguyện viên, giúp họ tìm ra chìa khóa để bước vào thế giới tuổi thơ.
Ngoài việc giúp các tình nguyện viên chọn sách phù hợp lứa tuổi, khóa đào tạo còn giúp họ các phương thức để thực hiện buổi đọc. Một trong những yếu tố giúp việc đọc thành công đó chính là việc biến mỗi cuốn sách thành những món “đồ chơi” có nội dung chữ nghĩa dành cho trẻ. Để làm được điều đó, các tình nguyện viên phải không ngừng tìm kiếm những ý tưởng độc, lạ để biến đổi những cuốn sách truyền thống thành những cuốn sách khác lạ. Bên cạnh việc ưu tiên những loại hình sách 3D (sách Pop-Up) là loại sách giúp trẻ tương tác với hình ảnh, thì những loại sách không truyền thống cũng phải được sử dụng thường xuyên¸ đơn cử như sách Kamishibai.
Kamishibai theo nghĩa đen là “nhà hát giấy”, đó là một kỹ thuật kể chuyện có nguồn gốc từ Nhật Bản. Mỗi Kamishibai được tạo thành từ một tập hợp các trang sách bằng bìa cứng rời nhau với mặt trước là hình minh họa, mặt sau là chữ và được đánh số như số trang. Sách Kamishibai được đọc với sự trợ giúp của một thiết bị bằng gỗ butai giống như hình một nhà hát bằng gỗ xách tay. Do vậy chiếc butai tựa như màn hình vô tuyến và mỗi cuốn sách đặt trong butai giống như một bộ phim được chiếu trên màn hình. Người đọc có thể đặt butai trên một chiếc bàn nhỏ và đứng phía sau để kể chuyện hoặc cũng có thể đặt butai lên đùi và ngồi giữa các thính giả. Nhờ đó những cuốn sách Kamishibai thường trở lên sinh động giống như một bộ phim hơn là một cuốn sách truyền thống. Những năm gần đây, sách Kamishibai đã có sự bùng nổ lớn do sách chiếm được cảm tình không chỉ của độc giả trẻ mà cả độc giả người lớn.
4/Một loại hình sách khác cũng đang rất phát triển và được sử dụng nhiều trong các hoạt động đọc tập thể (đọc tại trường học, trong các lễ hội đọc, tại các nhà dưỡng lão…), tấm thảm kể chuyện. Tấm thảm kể chuyện được là loại hình sách chuyển thể từ một cuốn sách sang dạng tấm thảm đặt trên mặt đất với những hình ảnh 3D. Thông thường các tấm thảm được làm từ các vật liệu như vải, len, giấy cứng… các yếu tố của câu chuyện được tái tạo thành những hình ảnh có thể cầm tay như những con búp bê. Do đó, tấm thảm kể chuyện không chỉ là một cuốn sách thông thường mà nó còn là một phương tiện để vừa kể vừa hát ru, người kể và người nghe vừa có thể chạm tay, chơi với các nhân vật, cảm nhận được các yếu tố của câu chuyện qua các vật liệu làm thảm. Nhờ vậy tấm thảm kể chuyện đã trở thành một cuốn sách đồ chơi tuyệt vời nhất.
Ngày nay, rất nhiều trung tâm văn hóa tại Pháp đã đầu tư và phát triển loại hình sách này. Tại Besançon, một thành phố miền đông nước Pháp, thư viện thành phố đã đầu tư cùng với các tình nguyện viên tạo lập một câu lạc bộ may vá chuyên để may những tấm thảm kể chuyện. Trong vài năm, đã có hàng chục tấm thảm được chuyển thể từ các cuốn sách trẻ ra đời. Cách đây chưa lâu, thư viện đã tổ chức một cuộc triển lãm các tấm thảm kể chuyện. Cuộc triển lãm đã rất thành công, độc giả ở mọi lứa tuổi đã vô cùng thích thú. Có được sự thành công đó, ngoài tiền mua máy khâu và vật liệu may vá, thư viện gần như không tốn một đồng nào vì tất cả đều dựa vào những tình nguyện viên.
5/Ngoài các cách sử dụng sách không truyền thống, người đọc còn rất nhiều cách khác để kể chuyện trong đó có kể chuyện bóng hình. Đây là loại hình kể chuyện có từ lâu đời mà bất cứ nền văn hóa nào cũng sử dụng. Đối với trẻ em thì kể chuyện bằng bóng hình luôn là cách kể chuyện thú vị nhất bởi chúng vừa cho cảm giác được xem kịch và vừa được nghe kể chuyện. Kể chuyện kịch bóng là loại hình đọc sách mà bất cứ người đọc sách nào cũng có thể tự làm cho mình một cuốn sách hay.
Có thể nói, để có thể kể hết các phương thức giúp người đọc sách có được những phương pháp hay nhất kích thích hứng thú của trẻ thì phải cần hơn một bài viết bởi những cuốn sách ngày càng nhiều và độc lạ cũng như cách thức đọc sách cũng ngày càng phát triển nhưng có một yêu cầu để bảo đảm việc đọc sách cho trẻ thành công đó chính là việc biến việc đọc sách thành trò chơi dành cho trẻ. Chỉ khi trẻ hứng thú, buổi đọc mới có thể thành công và việc quảng bá văn hóa đọc mới có thể mang lại kết quả hữu hiệu.