Xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xăng dầu

Do giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại một số địa phương xuất hiện tình trạng “găm hàng”, bán nhỏ giọt, chờ giá cao mới bán ra nhằm kiếm lời bất chính. Để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, các lực lượng chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, bám sát thị trường và xử lý các vi phạm. 

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại thị trấn Yên Bình (Yên Bái).
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại thị trấn Yên Bình (Yên Bái).

Tính từ ngày 28/1 đến nay, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã thực hiện gần 16 nghìn lượt thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, phát hiện và xử phạt nhiều vi phạm, thậm chí một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Phát hiện nhiều vi phạm

Tại tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh xăng dầu Sơn Trà thuộc Công ty TNHH Hương Huyền tại thôn 5, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn đã phát hiện cửa hàng có hành vi không ghi tên thương nhân phân phối, cung cấp xăng dầu trên biển hiệu và ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính cửa hàng hơn 30 triệu đồng. 

Qua kiểm tra cửa hàng kinh doanh xăng dầu Sơn Lĩnh thuộc Công ty TNHH TM-DV Bảo Duy Hà Tĩnh, phát hiện cửa hành ngừng bán hàng khi chưa được chấp thuận, lực lượng quản lý thị trường lập biên bản xử phạt 15 triệu đồng và kiến nghị địa phương rút giấy phép kinh doanh. 

Tương tự, ngày 11/2 vừa qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình phát hiện một cửa hàng xăng dầu có hành vi vi phạm ngừng bán hàng khi không thông báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định, đã xử phạt 15 triệu đồng.

Theo báo cáo của một số địa phương khác, về cơ bản không phát hiện các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là hành vi “găm hàng”, nâng giá bán. 

Tại thành phố Hà Nội, qua kiểm tra, giám sát đối với 493 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, lực lượng quản lý thị trường chưa phát hiện, xử lý vụ việc vi phạm nào liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu. 

Hiện có ba cửa hàng đang ngừng bán với các lý do có nhiều nhân viên bị mắc Covid-19, không có xăng dầu để bán và cửa hàng đang dừng kinh doanh để giải quyết tranh chấp. 

Tại tỉnh Đắk Lắk, qua kiểm tra 462 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, có tám cửa hàng đang tạm nghỉ, dừng hoạt động hoặc chỉ bán dầu. Các cửa hàng khác đều thực hiện nghiêm quy định, không phát hiện trường hợp “găm hàng”. 

Trên địa bàn thành phố  Hồ Chí Minh, có năm cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang tạm dừng hoạt động, 22 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thiếu xăng Ron 95 nhưng vẫn duy trì hoạt động, chờ nhập xăng để bán. 

Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh đánh giá, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động chủ yếu tại khu vực miền nam. Lực lượng đã kiên quyết kiểm tra, làm rõ và xác định nguyên nhân chủ yếu do không có đủ nguồn cung xăng dầu nên không còn hàng để bán. 

Nhiều cửa hàng sửa chữa hoặc giải thể, thiếu nhân lực cho nên không kinh doanh và đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước. 

Do đó, để kiểm soát chặt hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, kiểm tra đột xuất những nơi có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm theo quy định, thậm chí, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định, cũng như thực hiện giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép,...

Chủ động nguồn cung xăng dầu

Nguyên nhân chính dẫn tới thiếu hụt nguồn cung xăng dầu thời gian qua chủ yếu do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang cắt giảm công suất. Báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho thấy, do khó khăn về tài chính, nhà máy đã phải cắt giảm công suất trong thời gian vừa qua. 

Hiện, nhà máy đang chạy ở mức 55-60% công suất, do đó việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong tháng 2 giảm so kế hoạch bình quân khoảng 43%. Dự kiến tháng 3 sẽ cung cấp khoảng 80% so kế hoạch theo tháng với mức khoảng 540.000 m3/tháng. 

Báo cáo từ Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn cho thấy, mỗi tháng đơn vị cung cấp cho thị trường 300.000 m3 xăng và 300.000 m3 dầu. Từ đầu tháng 2, nhà máy đã nâng công suất lên 105%, tuy nhiên với mức tăng thêm 5% (tương đương khoảng 28.000 m3 xăng dầu) cũng không thể đủ bù đắp lượng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất. 

Tại buổi làm việc với các đầu mối xăng dầu chiều 22/2, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, với mức 3,8 triệu tấn từ nguồn xăng dầu dự trữ, cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và đặc biệt từ nguồn hàng nhập khẩu gấp ba lần bình thường từ đầu tháng 2 đến nay, Việt Nam bảo đảm cung ứng cho tất cả địa phương, không để thiếu xăng đến hết tháng 3. 

Việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung-cầu cho thị trường trong nước thời gian tới về cơ bản sẽ ổn định. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 trở đi, Bộ Công thương sẽ quyết định điều hành giá bán xăng dầu theo kịnh bản. 

Theo đó, khi lượng xăng dầu sản xuất trong nước thiếu hụt bao nhiêu sẽ được bù đắp vào bấy nhiêu từ nguồn nhập khẩu cộng với 20% gia tăng để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi kinh tế. 

Đồng thời, từ tháng 3 trở đi, doanh nghiệp nhập khẩu, tư nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu đều phải khai báo rõ số lượng xăng dầu nhập khẩu và bán ra trên cổng thông tin của doanh nghiệp và Bộ Công thương. Doanh nghiệp nào “găm hàng” sẽ bị đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi đăng ký kinh doanh.

Liên quan tới việc thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Bộ Công thương có văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch bán đấu giá hơn 100 triệu lít xăng Ron 92 từ nguồn dự trữ quốc gia là biện pháp xử lý tình huống khẩn cấp. Để duy trì nền kinh tế hoạt động ổn định. 

Việc xuất quỹ dự trữ quốc gia là cần thiết, nhưng Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm về việc cân đối cung-cầu trên thị trường và phải có sự giám sát, xem xét về tình hình thiếu hụt này, trong đó trách nhiệm của bộ đến đâu. 

Rõ ràng, trong nước có hai nhà máy lọc hóa dầu, cung ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường nội địa, số còn lại phải có kế hoạch nhập khẩu để tránh bị “đứt gãy” nguồn cung. Thế nhưng, việc cân đối cung-cầu chưa được tốt cùng với công tác dự báo thị trường kém đã dẫn tới tình trạng như vừa qua. 

Xuất quỹ dự trữ hy vọng sẽ không gây ra sự căng thẳng và cắt đứt hoạt động của xã hội, bởi ở nhiều địa phương, nhất là thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cửa hàng không có hàng để bán đã gây xáo trộn, bất ổn tới tâm lý người dân. Nếu vấn đề này không sớm được giải quyết sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. 

Do đó, phải bảo đảm được nguồn dự trữ, trong đó, công tác dự báo thị trường phải bám sát thực tế và ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung ứng sản phẩm dầu thô khác nhau với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa, không phụ thuộc vào bất kỳ một nguồn nào. Như vậy, khi xảy ra rủi ro, khủng hoảng, chúng ta vẫn bảo đảm được nguồn cung và giữ ổn định thị trường.

Ngày 22/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu liên bộ Tài chính-Công thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2 tới. 

Hiện thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng Ron 95 là 4.000 đồng/lít, E5 Ron 92 là 3.800 đồng/lít, còn dầu đi-ê-den là 2.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, mỗi lít xăng còn phải “cõng” các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng,... Ước tính, trong giá bình quân mỗi lít xăng, hiện thuế, phí chiếm khoảng 42-43%; còn dầu 21-27%. 

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành chủ động trong điều hành cân đối cung-cầu, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trên thị trường.