Pháp công bố thành phần nội các mới

NDO - Ngày 21/9, sau khi Tổng thống Emmanuel Macron phê duyệt, thành phần nội các mới của Pháp đã được công bố với một số thay đổi quan trọng, trong đó có các bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao, Nội vụ, Kinh tế và Tài chính, Tư pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Thời gian thành lập chính phủ mới lần này diễn ra lâu nhất kể từ khi nền Cộng hòa thứ V của Pháp được thành lập năm 1958. (Ảnh: France24)
Thời gian thành lập chính phủ mới lần này diễn ra lâu nhất kể từ khi nền Cộng hòa thứ V của Pháp được thành lập năm 1958. (Ảnh: France24)

Việc lựa chọn thủ tướng cùng với 39 thành viên chính phủ mới đã diễn ra rất khó khăn, sau hơn 2 tháng kể từ cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào đầu tháng 7.

Trong tổng số 39 bộ trưởng, bộ trưởng ủy quyền và quốc vụ khanh, có 12 thành viên đến từ đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron và 10 thành viên đến từ đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR), chỉ có 47 ghế tại Quốc hội Pháp. Trong số 17 bộ trưởng, có 7 người thuộc liên minh trung dung của đảng cầm quyền và 3 người thuộc đảng LR.

Đối với các vị trí chủ chốt, ông Jean-Noel Barrot (đảng cánh trung Phong trào Dân chủ - MoDem) sẽ thay thế ông Stephane Sejourne làm Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao. Ông Bruno Retailleau (đảng LR) được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ. Vị trí Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính được giao cho ông Antoine Armand (đảng Phục hưng), mới chỉ 33 tuổi. Còn ông Sébastien Lecornu tiếp tục làm Bộ trưởng Quân đội Pháp.

Tân Thủ tướng Michel Barnier đã thuyết phục một số nhân vật tên tuổi của cánh tả tham gia chính phủ mới, tuy nhiên nhiều người đã từ chối. Chỉ có ông Didier Migaud, từng là thành viên đảng Xã hội, làm Bộ trưởng Tư pháp.

Như vậy, danh sách thành viên chính phủ mới không có đại diện của các đảng cánh tả và cực tả thuộc liên minh Mặt trận Bình dân Mới, giành được kết quả cao trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vừa qua.

Ngay sau chính phủ mới được công bố, các đảng cánh tả đã tuyên bố sẽ tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ mới tại Quốc hội. Lãnh đạo đảng cựu hữu Tập hợp dân tộc cũng cho rằng chính phủ của ông Michel Barnier chỉ mang tính "chuyển tiếp" và kêu gọi một "sự thay đổi lớn".

Ngày 5/9, Tổng thống Emmanuel Macron đã chỉ định ông Michel Barnier, cựu Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU), làm Thủ tướng mới của Pháp. Tổng thống Pháp hy vọng rằng ông Michel Barnier, một chính trị gia kỳ cựu với kinh nghiệm dạn dày trên chính trường Pháp và châu Âu, có thể nỗ lực chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua.

Có đại diện của nhiều đảng, tuy nhiên chính phủ mới của Thủ tướng Michel Barnier vẫn không nắm đủ đa số tuyệt đối ở Quốc hội và sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới vì sự phản đối gay gắt của liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới cũng như đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc.

Ngày 1/10, Thủ tướng Michel Barnier dự kiến có bài phát biểu về chính sách chung trước Quốc hội, sau đó đệ trình kế hoạch ngân sách lên Quốc hội nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Đây là thử thách lớn đầu tiên đối với chính phủ mới khi thâm hụt khu vực công của Pháp dự kiến ​​sẽ đạt khoảng 5,6% GDP trong năm nay và hơn 6% vào năm 2025, so mức 3% theo quy định của EU.