Theo đó, Phần Lan sẽ tiếp nhận chuyên gia, người lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ Việt Nam sang làm việc ở nhiều lĩnh vực, như: Công nghệ, công nghiệp và chăm sóc sức khỏe, giáo viên mầm non…, với mức thu nhập ổn định từ 1.500-2.000 euro/tháng (tương đương 40-52 triệu đồng) cùng điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội được đánh giá cao…
Thị trường lao động tiềm năng
Bộ trưởng Việc làm của Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen cho biết: Phần Lan là quốc gia có dân số già, tỷ lệ lao động hằng năm về hưu lớn hơn so với lao động gia nhập thị trường từ 10.000-15.000 người. Hiện nay, ngày càng có nhiều công ty Phần Lan tuyển dụng lao động ở nước ngoài. Theo đánh giá của đối tác, thị trường lao động ở các quốc gia châu Á, trong đó Việt Nam rất sôi động và quan trọng, có thể cung cấp nguồn lao động tốt cho Phần Lan.
Thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động tại Phần Lan, Bộ trưởng Satonen nhấn mạnh: Phần Lan cần 1,3 triệu lao động đến năm 2040. Việt Nam là một trong bốn quốc gia, bên cạnh Philippines, Ấn Độ, Brazil được ưu tiên tuyển lao động. Số lượng lao động tuyển dụng phụ thuộc vào các công ty cũng như nhu cầu phát triển kinh tế thay đổi hằng năm. "Chúng tôi đang cần lao động trong các ngành nghề chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin...
Bên cạnh đó, Phần Lan được đánh giá là một trong các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và có môi trường sinh sống an toàn, chế độ phúc lợi tốt, cơ sở vật chất hiện đại. Điều kiện làm việc, quyền của người lao động được đánh giá cao và không phân biệt mức lương giữa lao động Phần Lan và lao động nước ngoài. Đặc biệt, ở một số ngành nghề, người lao động có thể đưa cả gia đình cùng sang Phần Lan. Con của người lao động được miễn phí học phí từ mầm non đến phổ thông…".
Tại lễ ký, đánh giá về thị trường lao động Phần Lan, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, lao động Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu mà nước này đặt ra. Trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Phần Lan, đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số thì đây chính là lợi thế của chúng ta.
Từ cuối năm 2023 đến nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chấp thuận đăng ký của ba doanh nghiệp hoạt động dịch vụ Việt Nam có hợp đồng cung ứng 134 lao động làm việc tại Phần Lan. Đến nay đã có 55 lao động đi làm việc tại Phần Lan, với thu nhập ổn định từ 1.500-2.000 euro/tháng, điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội khá tốt. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để Việt Nam chấp thuận phái cử lao động.
Nâng cao chất lượng người lao động Việt Nam
Tại Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam-Phần Lan, một số doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chia sẻ về khả năng đáp ứng công việc của lao động Việt Nam khi sang Phần Lan như tính cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn và khả năng nắm bắt nghề…
Tuy nhiên, cũng có những điểm mà người lao động Việt Nam cần phải khắc phục khi ra nước ngoài làm việc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bách nghệ toàn cầu (Glo-Tech) Trần Thị Minh Thu cho biết: "Có ba điểm yếu mà người lao động Việt Nam cần khắc phục là ngôn ngữ, kinh nghiệm làm việc quốc tế, kỹ năng mềm".
Ngoài ra, người lao động Việt Nam gặp các thách thức phải đối mặt như khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ; rào cản về mặt pháp lý và thiếu sự hỗ trợ… đây là những trở ngại khiến người lao động thiếu tự tin, dễ bị lợi dụng, dẫn đến vi phạm pháp luật khi đi làm việc ở nước ngoài.
"Vì vậy, các trường nghề cần phải thay đổi, xây dựng chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động chuyên sâu hơn, sát thực tế hơn để người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài có tay nghề tốt, nắm vững ngoại ngữ để họ có thể nắm bắt được văn hóa, tự tin hội nhập trong môi trường quốc tế, đặc biệt là các nước có nền công nghiệp phát triển, có tính tự chủ, minh bạch cao như Phần Lan" - bà Thu nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA) Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý để các lao động có thể được tuyển dụng một cách minh bạch. Về phía doanh nghiệp tuyển dụng cũng phải minh bạch từ quá trình tuyển chọn, thông tin đến người lao động, công tác đào tạo... Khi thông tin ngày càng minh bạch, người lao động sẽ tự tin hơn khi hòa nhập quốc tế.
Theo thống kê, những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, như: Năm 2023 đưa 159.986 lao động, năm 2024 đưa 159.000 lao động. Hiện nay, có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.
Trong đó, thị trường khu vực châu Âu được đánh giá là những thị trường tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Người lao động Việt Nam bước đầu đã tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường lao động quốc tế.
Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động và gia đình họ, và đào tạo cho đội ngũ người lao động Việt Nam hiểu biết về khoa học-công nghệ, tác phong lao động công nghiệp góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.
Theo Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan, từ nay đến năm 2040, Phần Lan cần khoảng 1,3 triệu lao động. Năm 2025, nước này cần khoảng 2.000 nhân công trong các lĩnh vực hạ tầng, dịch vụ và thực phẩm, yêu cầu lao động có khả năng sử dụng tiếng Anh. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần khoảng 3.000 lao động với tiêu chí tuyển chọn khắt khe hơn là phải có khả năng giao tiếp bằng tiếng Phần Lan. Ngành công nghiệp cần hơn 1.000 lao động và ngành công nghệ thông tin cần khoảng 1.000 lao động…