Sự kiện là sự tiếp nối của chuỗi hoạt động ý nghĩa đã được triển khai từ trước đó. Tại chương trình "Hướng về biển, đảo Tổ quốc" diễn ra vào tháng 12/2024, Hội Xuất bản Việt Nam đã trao 500 cuốn sách về biển đảo, văn hóa, pháp luật, khoa học quân sự và tư tưởng Hồ Chí Minh tặng thư viện của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân. Những cuốn sách trở thành nguồn động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm đối với các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Dịp này, món quà sách cũng được trao tặng cho các em nhỏ tại nhiều trường học trên cả nước. Chương trình "Mùa xuân Tả Lủng-Mang sách cho em" do Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức vào ngày 8/1/2025 tại xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là thí dụ điển hình.
Các em học sinh tại đây có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện học tập còn thiếu thốn, nhưng nhờ sự chung tay của các đơn vị xuất bản, Nhã Nam đã trao hơn 300 đầu sách truyện, tủ sách, chăn ấm, áo cờ đỏ sao vàng, bữa cơm tất niên thân mật tặng hơn 700 học sinh.
Ông Lại Cao Khương, Giám đốc Kinh doanh của Nhã Nam xúc động chia sẻ: "Tấm lòng của chúng tôi gửi gắm trong từng món quà, hy vọng có thể giúp các em vượt qua mùa đông lạnh giá và thêm động lực để vươn lên trong học tập. Những món quà này không chỉ mang lại niềm vui trong dịp Tết mà còn góp phần khích lệ tinh thần".
Ngoài Nhã Nam, nhiều đơn vị xuất bản khác đã tham gia vào các hoạt động tặng sách cho các em nhỏ tại các khu vực khó khăn. Trong tháng 1, Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp Báo điện tử VOV tổ chức tặng quà gồm sách truyện thiếu nhi và dụng cụ học tập cho các em học sinh Trường tiểu học Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang với hy vọng mang đến cho các em một mùa xuân ấm áp. Chương trình trao tặng sách giáo khoa cũng là một hoạt động đáng chú ý trong thời gian qua.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tặng khoảng 1.000 tủ sách giáo khoa cho các trường trung học cơ sở trên toàn quốc. Mỗi tủ sách gồm 90 bộ sách giáo khoa và 6 bộ sách giáo viên từ lớp 6 đến lớp 8, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, giúp các em học sinh có cơ hội tiếp cận với tài liệu học tập chất lượng ngay từ những năm học đầu tiên.
Những đóng góp từ ngành xuất bản là một phần không thể thiếu trong hành trình gieo mầm tri thức khắp mọi miền đất nước. Qua từng cuốn sách được trao đi, từng chương trình được tổ chức, ngành đã và đang góp phần thúc đẩy tri thức và lan tỏa giá trị nhân văn đến những cộng đồng còn khó khăn, giúp họ không chỉ vượt qua thử thách trong cuộc sống mà còn có thêm cơ hội vươn lên trong học tập, phát triển bản thân. Chính từ những hành động đẹp, giá trị của Tết càng thêm ấm áp và mầm tri thức sẽ được gieo trồng, nở hoa ở khắp muôn nơi.
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, để tiếp tục phát huy, làm tốt hơn vai trò lan tỏa văn hóa đọc đến các vùng miền còn khó khăn, trong năm 2025, ngành xuất bản Việt Nam cần có những giải pháp sáng tạo, hiệu quả hơn nữa, như: Tăng cường phát hành sách điện tử để phủ sóng tới vùng miền còn khó khăn qua hệ thống truyền thanh địa phương; xây dựng nhiều hơn thư viện lưu động và tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đọc sách, nâng cao nhận thức về văn hóa đọc cho người dân; tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương và các đơn vị khác; tổ chức các chương trình đọc sách, hội thảo về sách ngay tại các cộng đồng.
Những buổi giao lưu, chia sẻ sách tại các làng, thôn hoặc các lớp học cộng đồng sẽ tạo điều kiện cho người dân không chỉ tiếp cận với sách mà còn hiểu rõ hơn về giá trị của việc đọc sách trong việc phát triển bản thân và cộng đồng… Đặc biệt, ở nhiều khu vực miền núi, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, việc tiếp cận sách vở còn gặp nhiều khó khăn vì rào cản ngôn ngữ.
Để giải quyết vấn đề này, ngành xuất bản cần tập trung phát triển các ấn phẩm bằng ngôn ngữ dân tộc, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và hiểu được nội dung sách, đồng thời phát huy được các giá trị văn hóa đặc trưng.
Ngành xuất bản cũng cần phối hợp các cơ quan giáo dục tổ chức những cuộc thi đọc sách, viết bài văn sáng tạo, hay sáng tác truyện ngắn cho học sinh, đặc biệt ở các vùng miền khó khăn. Các cuộc thi không chỉ tạo cơ hội cho học sinh thể hiện khả năng đọc hiểu, tư duy sáng tạo, mà còn khuyến khích các em yêu thích đọc sách từ khi còn nhỏ, hình thành thói quen học tập lâu dài.