Bình luận quốc tế

Phần Lan gia nhập "mái nhà chung NATO"

Ngày 4/4, lá cờ Phần Lan được treo bên ngoài trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại thủ đô Brussels (Bỉ), đánh dấu việc quốc gia Bắc Âu chính thức trở thành thành viên thứ 31 của tổ chức này. Gia nhập NATO giúp Phần Lan bảo đảm an ninh quốc gia, đồng thời liên minh quân sự củng cố thêm sức mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Cờ Phần Lan và NATO. (Ảnh: REUTERS)
Cờ Phần Lan và NATO. (Ảnh: REUTERS)

Phần Lan, cùng Thụy Điển, đã đảo chiều chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập niên và quyết định nộp đơn gia nhập NATO vào năm 2022. Đơn xin gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu này đã được chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6/2022.

Để chính thức trở thành thành viên của NATO, đơn của Phần Lan và Thụy Điển phải được toàn bộ 30 nước thành viên liên minh phê chuẩn. Sau khi vượt qua rào cản cuối cùng là sự phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan đã chính thức gia nhập NATO. Tiến trình kết nạp Phần Lan vào NATO được hoàn tất, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa ủng hộ Thụy Điển gia nhập liên minh.

Trước khi gia nhập NATO, Phần Lan vốn là đối tác mạnh mẽ, chia sẻ các giá trị của NATO. Phần Lan có quân đội hiện đại, với các thiết bị tương thích với các hệ thống của NATO. Đầu năm 2022, quốc gia Bắc Âu này đã hoàn tất việc mua 64 máy bay chiến đấu F-35 từ công ty Lockheed Martin của Mỹ.

Trước khi gia nhập NATO, Phần Lan vốn là đối tác mạnh mẽ, chia sẻ các giá trị của NATO. Phần Lan có quân đội hiện đại, với các thiết bị tương thích với các hệ thống của NATO. Đầu năm 2022, quốc gia Bắc Âu này đã hoàn tất việc mua 64 máy bay chiến đấu F-35 từ công ty Lockheed Martin của Mỹ.

Phần Lan cũng đáp ứng mục tiêu của NATO về chi tiêu quân sự tương đương 2% GDP hằng năm. NATO hy vọng, việc Phần Lan chính trức trở thành thành viên giúp củng cố liên minh, cũng như đóng góp cho an ninh châu Âu. Có thêm Phần Lan trong "gia đình NATO", khối đồng minh quân sự có thể thực thi chính sách tăng cường hiện diện quân sự ở vùng Bắc Âu.

Sự kiện Phần Lan gia nhập mái nhà chung diễn ra trong bối cảnh NATO đang thực thi nhiều quyết sách quan trọng, trong đó có chiến lược mới, được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6/2022. Khái niệm chiến lược mới của NATO xác định các mối đe dọa và thách thức chính cho an ninh khu vực và vạch ra đường hướng giải quyết thách thức.

Ngoài ra, NATO quyết định tăng lực lượng ở trạng thái sẵn sàng cao lên mức hơn 300.000 quân. Việc đưa ra khái niệm chiến lược mới đánh dấu sự chuyển đổi để thích ứng với bối cảnh địa chính trị mới. Đây là tài liệu quan trọng, xác định các giá trị và mục tiêu của liên minh quân sự, đồng thời định hướng các nhiệm vụ ưu tiên liên quan đến vấn đề an ninh và giải quyết những thách thức mà NATO phải đối mặt.

Khái niệm chiến lược của NATO được coi là kim chỉ nam cho chính sách quốc phòng của từng nước thành viên. Trong khái niệm chiến lược năm 2010, NATO từng xác định "mở rộng vòng tay" với Nga, coi Moskva là "đối tác chiến lược", trong khi kẻ thù giả định của khối này là chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã làm thay đổi mọi thứ. Ngoài việc giữ nguyên mục tiêu chống khủng bố, NATO muốn một chiến lược phòng thủ và răn đe mới có tính đến các mối đe dọa hỗn hợp và không gian mạng.

Trong khi NATO xúc tiến kế hoạch mở rộng và tăng cường lực lượng của khối này thì Nga cũng có các động thái nhằm tăng cường an ninh. Moskva cho biết, trong trường hợp lực lượng và nguồn lực của các thành viên NATO khác được triển khai ở Phần Lan, Nga sẽ thực hiện các bước bổ sung để bảo đảm an ninh quân sự một cách đáng tin cậy.

Từ Moskva, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố, Nga sẽ tăng cường lực lượng ở phía Tây và Tây Bắc. Đây không phải là lần đầu Nga tuyên bố điều chỉnh lại quân đội nếu Phần Lan gia nhập NATO. Năm ngoái Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Nga đang thực hiện các biện pháp đối phó thích hợp và sẽ thành lập 12 đơn vị và sư đoàn ở quân khu phía tây. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào quá trình mở rộng NATO diễn ra như thế nào.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, khối quân sự này đang bước vào kỷ nguyên mới của cạnh tranh chiến lược với những thách thức hoàn toàn mới. Theo người đứng đầu NATO, việc kết nạp thêm thành viên giúp NATO an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và khu vực châu Âu-Đại Tây Dương ổn định hơn.

Tuy nhiên, NATO vẫn đối mặt nhiều vấn đề, trong đó có chia rẽ nội bộ liên quan tới việc mở rộng khối, hỗ trợ Ukraine, hay quan điểm về Nga và cả cam kết chi tiêu quốc phòng, mà nhiều thành viên chưa đáp ứng yêu cầu của khối.