Nga phản ứng trước việc Phần Lan gia nhập NATO

NDO - Liên quan việc Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga tuyên bố buộc phải thực hiện các biện pháp đáp trả để ngăn chặn các mối đe dọa phát sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Lá cờ tại tòa nhà Đại sứ quán Phần Lan ở Moskva (Nga). (Ảnh: RIA Novosti)
Lá cờ tại tòa nhà Đại sứ quán Phần Lan ở Moskva (Nga). (Ảnh: RIA Novosti)

Ngày 4/4, phản ứng về tiến trình kết nạp Phần Lan vào NATO hoàn tất, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nêu rõ, Moskva buộc phải thực hiện các biện pháp đáp trả về mặt quân sự-kỹ thuật và các lĩnh vực khác, để ngăn chặn các mối đe dọa phát sinh đối với an ninh quốc gia của Nga.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, các biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm quốc phòng ở biên giới phía tây bắc của Nga sẽ phụ thuộc các điều kiện để Phần Lan hội nhập NATO, gồm việc triển khai các hệ thống vũ khí tấn công và cơ sở hạ tầng quân sự của NATO và trên lãnh thổ Phần Lan.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Nga, việc Phần Lan gia nhập NATO "không thể không tác động tiêu cực" đến quan hệ Nga-Phần Lan.

Cùng ngày, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh quan điểm của Điện Kremlin cho rằng, Phần Lan gia nhập NATO là quyết định làm nghiêm trọng thêm tình hình.

Theo ông Peskov, việc mở rộng NATO lần này xâm phạm an ninh và lợi ích của Nga. Moskva sẽ có phản ứng kịp thời đối với các hành động của NATO ở Phần Lan.

Ông Peskov đồng thời nhấn mạnh, việc Phần Lan gia nhập NATO rất khác trường hợp giữa Ukraine và liên minh quân sự này, do đó rất khó so sánh.

Trước đó, ngày 3/4, phát biểu trước các phóng viên tại Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo, ngày 4/4, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự lớn nhất thế giới này. NATO lần đầu thượng cờ Phần Lan tại trụ sở của liên minh.

Ông Stoltenberg cũng bày tỏ hy vọng quốc gia láng giềng của Phần Lan là Thụy Điển sẽ gia nhập NATO trong những tháng tới.

Phần Lan và Thụy Điển đã chấm dứt chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập kỷ và quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO từ năm ngoái. Đơn xin gia nhập của 2 quốc gia Bắc Âu này đã được chấp thuận tại Hội nghị cấp cao NATO tháng 6/2022.

Để một nước chính thức trở thành thành viên của NATO, đơn gia nhập phải được tất cả quốc hội của toàn bộ các nước thành viên liên minh phê chuẩn.