Phấn đấu hình thành đô thị sân bay đầu tiên

Tại tỉnh Đồng Nai, mạng lưới đô thị chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Địa phương đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá để phát triển đô thị xứng tầm, phấn đấu hình thành “đô thị sân bay” đầu tiên của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến tháng 9/2026 sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1.
Sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến tháng 9/2026 sẽ đưa vào khai thác giai đoạn 1.

Đồng Nai hội tụ nhiều lợi thế phát triển mà không phải địa phương nào cũng may mắn có được như sân bay quốc tế Long Thành, hệ thống cảng biển nước sâu, các tuyến đường bộ cao tốc và 31 khu công nghiệp đang hoạt động. Đây là cơ hội và tiềm năng để tỉnh tiến hành nâng tầm không gian phát triển đô thị mang tính bền vững, lâu dài.

Nơi quá tải, nơi thưa vắng

Là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Đồng Nai, với bề dày truyền thống 325 năm, Biên Hòa được đánh giá là thành phố phát triển năng động hàng đầu ở khu vực phía nam, hiện có hơn 1,2 triệu người sinh sống, là đơn vị cấp huyện có số dân đông nhất cả nước; tốc độ đô thị hóa đạt 99,5%, dự kiến đến năm 2030 đạt 100%. Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị Biên Hòa đang đối diện nhiều hệ lụy, nổi bật là tình trạng chật chội, quá tải về hạ tầng, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở các cửa ngõ, ngập úng cục bộ vào mùa mưa.

Trong khi đó, huyện Nhơn Trạch nằm ở vị trí đắc địa giữa tam giác kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh-Biên Hòa-Vũng Tàu, nhưng báo chí hay dùng từ ví von “thành phố ma” để nói lên sự vắng vẻ, ì ạch của đô thị tại đây. Năm 2009, Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về xây dựng thành phố Nhơn Trạch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, nhưng sau 15 năm, đến nay vẫn chỉ là huyện, thậm chí mới có một thị trấn duy nhất được công nhận.

Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho biết: Cơ cấu kinh tế, quy mô dân số, số giường bệnh và bác sĩ/10 nghìn dân và tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước máy là những tiêu chí địa phương chưa hoàn thành. Nhiều dự án trọng điểm bị chậm tiến độ cũng làm ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đô thị Nhơn Trạch.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà, tỉnh mới chỉ có hai thành phố là Biên Hòa và Long Khánh, các đô thị còn lại thuộc quy mô nhỏ. So với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, phát triển đô thị tại Đồng Nai đang tiến rất chậm, nhất là về chất lượng, đòi hỏi phải có giải pháp mạnh mẽ, phù hợp. Toàn tỉnh hiện có 11 đô thị được phê duyệt quy hoạch chung và đang trong kỳ rà soát, điều chỉnh. Định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ có 17 đô thị. Thời gian qua, tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh, nhưng trên thực tế triển khai nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt yêu cầu.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức thẳng thắn nhìn nhận, Đồng Nai đang có nhiều hạn chế về phát triển đô thị. Định hướng của tỉnh là các đô thị tại Đồng Nai phải đạt “5 không, 5 có”, gồm: có biểu trưng, có không gian xanh, có bãi đậu xe, có nhà vệ sinh công cộng, có đường phố thoáng đẹp; không dây nhợ, không rác thải bừa bãi, không người ăn xin sống lang thang, không hàng rong buôn bán nhếch nhác, không đào xới đường sá lộn xộn.

Chuyên gia quy hoạch đô thị, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn khuyến nghị, Đồng Nai cần kiện toàn hệ thống giao thông vùng trong đô thị và quan trọng nhất là tăng cấp độ kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, tỉnh cần định hình lại trục giao thông huyết mạch là giao thông đa phương tiện, kết hợp giữa các loại hình giao thông: đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường cao tốc nối liền Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu hướng thẳng ra biển. Khi đó, hàng hóa của bốn địa phương nêu trên tập trung ra Cảng Thị Vải-Cái Mép để xuất khẩu, từ đó chi phí giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ giảm nhiều, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa.

Hơn nữa, Đồng Nai có lợi thế kết nối trực tiếp từ đô thị Biên Hòa với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh qua tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên-Biên Hòa, theo quy hoạch sẽ liên thông với Sân bay Long Thành. Đây là tuyến đường có ý nghĩa chiến lược, góp phần chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1, cảng Đồng Nai thành trung tâm đô thị mới của Đồng Nai.

Để đẩy nhanh công tác này, tỉnh cần có cơ chế đặc thù để phát triển đô thị gắn chặt theo không gian quy hoạch giao thông công cộng như cách Thành phố Hồ Chí Minh đang làm. Lợi ích của việc làm này là giá trị đất đai sẽ tăng lên, từ đó tỉnh có thể khai thác nguồn lực từ quỹ đất, giúp tiết kiệm nguồn vốn đầu tư công.

Khát vọng hình thành đô thị sân bay đầu tiên ở nước ta

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Long Thành Lê Văn Tiếp cho biết, cuối tháng 2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Long Thành, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045. Theo đó, Long Thành hướng tới trở thành một trong các đô thị trọng điểm của Vùng động lực phát triển phía nam, đô thị gắn kết với sân bay, trở thành khu vực cửa ngõ của quốc gia đối với quốc tế.

Chính quyền huyện đang tích cực phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc và lựa chọn đấu thầu quốc tế đơn vị tư vấn quy hoạch Long Thành là thành phố sân bay, dự kiến, trong tháng 8 tới sẽ có kết quả. Để tạo thêm tiềm lực đầu tư hạ tầng, ngoài nguồn vốn ngân sách, huyện đã sớm lựa chọn các vị trí đất “vàng” có thể tiến hành đấu giá sau này.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, không phải chỗ nào cũng phát triển được đô thị sân bay, ở Việt Nam chỉ bốn nơi có khả năng làm được, đó là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Long Thành. Đô thị sân bay có nghĩa là sân bay kết nối với đô thị như thế nào phải có tính toán đồng bộ, toàn diện, đa chiều để mang lại hiệu quả nhất. Còn làm theo tư duy cũ, tức sân bay là vùng trắng, đô thị không được tác động đến, thì chắc chắn hiệu quả sẽ không cao.

Đô thị sân bay là khái niệm mới trong thế kỷ 21 và được hiểu hoàn toàn khác với việc làm đô thị cạnh sân bay. Nếu như trong thế kỷ 20, sân bay trên toàn thế giới đơn thuần chỉ là điểm trung chuyển, thì đô thị sân bay hôm nay phải trở thành điểm đến hợp tác, giao thương. Thành công của các đô thị sân bay điển hình như Changi (Singapore), Schiphol (Hà Lan), hoặc nhiều sân bay lớn ở Mỹ, cho thấy Long Thành cần phải vươn lên để trở thành điểm đến trung tâm trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Không chỉ hạ tầng giao thông kết nối đa phương tiện ngay trong nội bộ sân bay với bên ngoài, đô thị sân bay còn hội đủ các dịch vụ văn phòng thương mại, giải trí ở vùng bán kính 5-10 km. Nhưng, cái khó hiện nay là quy hoạch sân bay Long Thành do Bộ Giao thông vận tải thực hiện, còn quy hoạch đô thị do tỉnh Đồng Nai làm. Vấn đề đặt ra là phải tích hợp một cách khoa học, nhuần nhuyễn, thống nhất mới hy vọng thành hình một đô thị sân bay xứng tầm. Đây là một thử thách rất lớn, chưa từng có tiền lệ trong cả nước, nhưng không thể không làm nếu muốn phát triển “đi tắt”, “đón đầu”.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh, xét về tổng thể, phát triển các đô thị phải hướng đến mục tiêu trọng điểm lấy con người làm trung tâm, trước hết là nâng cao chất lượng sống của người dân. Chẳng hạn, những khu đất đẹp nhất, hãy suy nghĩ sử dụng vào mục đích gì để phục vụ nhân dân được tốt nhất. Hướng đến giá trị kinh tế cao hơn, kết nối giao thương rộng lớn hơn, các đô thị phải thật sự trở thành động lực phát triển cho cả tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cũng đề cập tám nhóm giải pháp và 18 vấn đề cần quan tâm liên quan phát triển đô thị, trong đó, quy hoạch là chìa khóa mấu chốt. Về nguồn lực để nâng cấp diện mạo đô thị, bên cạnh tăng cường đầu tư từ phía Nhà nước, bản thân các địa phương cần chủ động có cơ chế huy động đầu tư xã hội hóa.