Thông tin mới

Phấn đấu đưa Lâm Đồng trở thành "thiên đường xanh"

Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1727/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách đến với thành phố Đà Lạt.
Du khách đến với thành phố Đà Lạt.

Trong đó, xây dựng và phát triển Lâm Đồng trở thành "thiên đường xanh", với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng-sinh thái-chăm sóc sức khỏe-thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Phát triển toàn diện về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế; tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan, dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo.

Trong đó, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại, đẳng cấp quốc tế, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo. Mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 8,5%-9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Biểu dương người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới tỉnh Kon Tum

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum vừa tổ chức gặp mặt, biểu dương 50 già làng, trưởng thôn, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, đã có nhiều cống hiến trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên khu vực biên giới tỉnh Kon Tum.

Nhiều ý kiến tại buổi gặp mặt đã đánh giá những đóng góp của già làng, trưởng thôn, người có uy tín tiêu biểu đối với phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là cùng với bộ đội biên phòng xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên khu vực biên giới.

Đây cũng là dịp để già làng, trưởng thôn, người có uy tín trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo; gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; xây dựng thôn, làng vững mạnh.

Đắk Lắk xin lỗi bằng văn bản khi hồ sơ thủ tục hành chính quá hạn giải quyết

Phấn đấu đưa Lâm Đồng trở thành "thiên đường xanh" ảnh 1
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa thành phố Buôn Ma Thuột.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Chỉ thị số 25 về thực hiện nghiêm quy định xin lỗi bằng văn bản đối với hồ sơ, thủ tục hành chính quá hạn giải quyết trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm thủ tục hành chính được thực hiện đúng trình tự, thời gian quy định; không để xảy ra tình trạng giải quyết quá hạn mà không có lý do chính đáng; đồng thời kiểm tra, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giải quyết chậm, nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc xin lỗi bằng văn bản đối với hồ sơ, thủ tục hành chính quá hạn giải quyết, do sai sót trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Công trình đường giao thông nông thôn kiểu mẫu đầu tiên ở Đắk Nông

Chi hội Nhà báo Phóng viên thường trú tại Đắk Nông vừa phối hợp Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông, Ủy ban nhân dân xã Đắk Gằn bàn giao mô hình đường giao thông nông thôn sáng-xanh-sạch đẹp-an toàn tại bon Đắk Láp, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil.

Đây là công trình đường giao thông nông thôn kiểu mẫu đầu tiên tại tỉnh Đắk Nông, do các đơn vị nêu trên phối hợp thực hiện. Tuyến đường dài gần 1 km, được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, hai bên trồng cây xanh.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn một tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước là 500 triệu đồng và nguồn xã hội hóa do Chi hội Nhà báo Phóng viên thường trú tại tỉnh Đắk Nông huy động và nhân dân đóng góp.